Quy định cho phép các bên kí kết hợp đồng vay vốn, đặt cọc, ký quỹ… trong việc giao kết hợp đồng tương lai đang là kẽ hở để các chủ đầu tư bán “lúa non” dự án, đẩy rủi ro về phía khác hàng.
Theo các quy định hiện hành, Sở xây dựng có trách nhiệm thường xuyên cập nhật những dự án đủ điều kiện bán hàng trên website để người dân nắm rõ. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không có tên trong danh sách vẫn bán hàng.
Đơn cử như trên địa bàn Hà Nội, một số dự án đang được rao bán rầm rộ nhưng không có trong danh sách công bố trên Cổng thông tin Sở Xây dựng như Dự án chung cư Tecco Diamond, Dự án Shophouse liền kề Gia Lâm Central Metropolitan; Phân khu cao tầng - Dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế...
Các dự án trên thường có điểm chung là chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý, từng bị đình chỉ vì thi công trái phép, đắp chiếu nhiều năm, thậm chí như dự án Gia Lâm Central Metropolitan chưa giải phóng mặt bằng đã rao bán rầm rộ. Các loại hợp đồng mà những chủ đầu tư này sử dụng để bán hàng đó là hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn, hợp đồng Ký quỹ...
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định số 139/2017 thì trường hợp chủ đầu tư có hành vi “Kinh doanh BĐS mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định” thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 250 – 300.000.000 VND.
Tuy nhiên, không dễ để xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư trong trường hợp này, phần lớn chủ đầu tư khi bán nhà, huy động vốn đều không ký kết hợp đồng mua bán căn hộ mà thường ký kết ở dạng hợp đồng khác như hợp đồng vay vốn, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký quỹ… với các hợp đồng dạng này thì chưa thể xác định chính xác chủ đầu tư có vi phạm hay không?
Do đó, trước khi ký kết các hợp đồng với chủ đầu tư, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực của chủ đầu tư, hồ sơ pháp lý hiện tại của dự án và tiến độ thi công thực tế của dự án. Và dĩ nhiên, khách hàng cần ưu tiên những dự án đã có thông báo của Sở xây dựng về việc đủ điều kiện bán hàng.
Có thể bạn quan tâm