Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng là cần thiết và có thể thực hiện ngay theo lộ trình cụ thể.
>> Hạn mức tín dụng - Công cụ kiểm soát rủi ro đã "lỗi thời"
Chủ đề này đã làm nóng kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV và được Chủ tịch Quốc hội nhận xét là vấn đề rất hay, vì đây là lần đầu tiên Đại biểu Quốc hội chất vấn viêc này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã áp dụng room tín dụng từ 2011 và thấy đây là biện pháp hiệu quả trong điều hành.
Đại biểu Trịnh Xuân An đồng tình quan điểm rằng, đối với lĩnh vực tín dụng ngân hàng phải an toàn, tránh những rủi ro. Tuy nhiên, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm còn mang dáng dấp quản lý theo kiểu "bao cấp" và không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xây dựng tiêu chí bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD. NHNN nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.
Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng bày tỏ, NHNN có thể điều tiết vốn cho nền kinh tế với các lý do sau:
Thứ nhất, “sức khoẻ” các ngân hàng ngày càng tốt hơn nhiều khi đã đạt Basel II, thậm chí Basel III. Thanh khoản ngân hàng khá dồi dào, không xảy ra chạy đua tín dụng gây bất ổn hệ thống. Ngân hàng huy động tiền thực rồi mới cho vay. Đây chỉ là nhiệm vụ phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế, chứ không phải câu chuyện “xin cho”.
Thứ hai, NHNN cũng đã có các công cụ điều hành như tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR), tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn,... và các tỷ lệ an toàn khác.
“NHNN có thể khống chế tín dụng bằng tỷ lệ LDR. Còn muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng, có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc”, ông Hòe nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng NHNN cần sớm không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng, vì đây là công cụ hành chính mà hầu hết các NHTW không còn sử dụng.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho rằng, nếu bỏ room tín dụng thì phải có công cụ chính sách thay thế, như quản lý hệ số an toàn vốn theo Basel II bằng cả tử số và mẫu số, trong đó tử số là vốn chủ sở hữu, còn mẫu số là tín dụng đầu tư.
“Về lộ trình bỏ room tín dụng, NHNN cân nhắc trong điều kiện tín dụng không tăng trưởng nóng, quỹ đạo ổn định ở mức 10-12%/năm. Khi đó, áp dụng hệ số an toàn vốn sẽ yên tâm hơn”, TS. Lực nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thống đốc NHNN: Sẽ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen
18:21, 08/06/2022
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
20:09, 04/06/2022
Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro: Chủ trương và thực tiễn
11:30, 06/06/2022
Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?
12:00, 07/06/2022