Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 20/01/2023 04:00

Để thị trường phát triển bền vững trước những biến động khó lường năm 2023, chuyên gia cho rằng, cần sớm có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp…

>> Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

Số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019, đời sống của người lao động hiện nay đã được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân tăng 14,5%. Bình quân thưởng Tết Nguyên đán năm nay cũng tăng 11% so với năm trước. Dù phải đối diện với nhiều thách thức, tuy nhiên, quý I năm 2023, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng, khoảng 350.000 - 400.000 lao động.

Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, thị trường lao động dự báo sẽ khó khăn từ cuối năm ngoái và kéo dài sang quý I năm nay. Vì vậy, chăm lo cho người lao động thiếu việc, có hoàn cảnh khó khăn… là ưu tiên của ngành chức năng trong giai đoạn này. Năm nay, các hoạt động thường niên như Tết sum vầy, tặng quà, vé tàu, xe về quê đón Tết... vẫn tiếp tục được thực hiện.

Bên cạnh quỹ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vận động mọi nguồn lực tham gia, để chăm lo cho nhiều người lao động hơn.

Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà ngay cả người lao động cũng cần linh động trong việc tìm kiếm, sắp xếp việc làm để thích ứng với các tình huống - Ảnh minh họa

Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà ngay cả người lao động cũng cần linh động trong việc tìm kiếm, sắp xếp việc làm để thích ứng với các tình huống - Ảnh minh họa

Thông tin với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, xã hội hóa các nguồn lực, công đoàn có thể tìm kiếm từ doanh nghiệp, xã hội, các tổ chức và nhất là sự tham gia của các địa phương. Từng địa phương cũng bỏ một nguồn kinh phí cụ thể để hỗ trợ người lao động bởi đây là cách giữ chân người lao động.

Ưu tiên hiện nay là duy trì thị trường lao động linh hoạt để đảm bảo sự bền vững, trong đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, giảm thiểu thời gian chờ việc, kết nối nhanh cho người lao động tiếp cận việc làm… được ngành chức năng và doanh nghiệp tuân thủ thực hiện. Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà ngay cả người lao động cũng cần linh động trong việc tìm kiếm, sắp xếp việc làm để thích ứng với các tình huống.

Nhằm phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đề xuất, thời điểm này cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ tái cơ cấu sản xuất, cùng với đó, cần có hỗ trợ cho người lao động mất việc.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cần có những giải pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.

Ông Cẩm cho rằng, dù đã có những giải pháp như: Ban hành gói hỗ trợ về an sinh và việc làm 48,5 nghìn tỷ cho người lao động; 110 nghìn tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có cấp bù lãi suất 2%, nhưng vẫn chưa làm được.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục duy trì gói giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp. Những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn còn nhiều bất cập mà chúng tôi đã kiến nghị thì cũng đề nghị nghiên cứu để có thể giải quyết”, ông Cẩm chia sẻ.

Được biết trước đó, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí Công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm; Ủy ban Quan hệ lao động khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất những chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh hóa: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    Thanh hóa: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    10:17, 10/01/2023

  • Thanh Hóa: Năm 2023 thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    Thanh Hóa: Năm 2023 thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    17:20, 22/12/2022

  • Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ du lịch xanh tại Quảng Nam

    Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ du lịch xanh tại Quảng Nam

    03:00, 09/12/2022

  • PBoC và chính sách hỗ trợ kinh tế có chọn lọc

    PBoC và chính sách hỗ trợ kinh tế có chọn lọc

    05:30, 03/12/2022

  • Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

    Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

    15:01, 02/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO