Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan quy định về giao dịch liên kết

GIA NGUYỄN 27/01/2024 03:30

Trước hàng loạt các phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập liên quan đến quy định về giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, VCCI đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ…

>> Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi

Mặc dù đánh giá, việc áp dụng mức trần chi phí lãi vay, có tác dụng lớn trong việc việc sàng lọc các doanh nghiệp có sức khỏe yếu do “vốn mỏng, vốn ảo” của nền kinh tế. Cũng như giúp Việt Nam tăng cường quản lý đối với các khoản vay nợ, các giao dịch tài chính và giúp môi trường thuế ngày càng phù hợp với các thông lệ quốc tế, khi mức khuyến nghị chi phí lãi vay trần của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là từ 10 - 30% lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA).

Thế nhưng, ngay từ khi được ban hành lần đầu tiên tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về quản lý giao dịch liên kết, quy định này vấp phải phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp.

Quy định về giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP tạo ra hàng loạt lo ngại, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Quy định về giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP tạo ra hàng loạt lo ngại, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Đến năm 2020, Bộ Tài chính đồng ý sửa đổi quy định này tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 với những điểm mới gồm: nâng mức trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép lũy kế 5 năm thay vì hết năm nào, tính năm đó và cho phép hồi tố lại kỳ tính thuế từ năm 2017. Tuy nhiên, những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định này vẫn luôn hiện hữu.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, trần chi phí lãi vay là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của ngành thuế. Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam dù không hề có yếu tố chuyển giá, thậm chí không hề có yếu tố liên kết, vẫn bị quy định này gây khó.

Theo đó, một trong những vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

>> Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời

VCCI đề nghị sớm có giải pháp xử lý những vướng mắc về giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP cho cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

VCCI đề nghị sớm có giải pháp xử lý những vướng mắc về giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP cho cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay khiến chi phí lãi vay thường chiếm tỷ trọng lớn trong kết cấu chi phí. Trong khi đó, Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá mức 30% EBITDA của doanh nghiệp. Phần chi vượt quá tỷ lệ trên là chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khiến doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

Đáng nói, những năm trước đây khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp, chi phí lãi vay của hầu hết các doanh nghiệp đều dưới mức 30% này, thế nhưng, từ cuối năm 2022 và trong năm 2023, mặt bằng lãi suất tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của đa phần doanh nghiệp đều vượt mức 30% cho phép của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề nghị sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Và tại điểm đ mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định này để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023. Tuy nhiên, lộ trình dự kiến việc sửa đổi tiếp tục bị kéo dài đến hết quý III/2024.

Trước những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như đòi hỏi bức thiết phải sửa đổi chính sách. Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính.

Cụ thể, tại văn bản này, VCCI cho biết, VCCI đã nhận được ý kiến phản ánh của nhiều doanh nghiệp về sự bất cập của quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP (đơn cử trường hợp của Công ty Cổ phần Khang Nông). Trong đó, cơ quan thuế coi giao dịch giữa các doanh nghiệp này với ngân hàng là giao dịch liên kết, từ đó loại trừ chi phí lãi vay vượt mức trần cho phép theo Điều 5.2.d và Điều 16.3.a của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Đáng nói, trong năm 2022 và 2023, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức giới hạn cho phép. Trong hoàn cảnh đó, hai quy định đã nêu tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP khiến các doanh nghiệp chịu khó khăn kép, vừa phải trả lãi nhiều hơn cho ngân hàng, nhưng không được khấu trừ thuế cho phần chi phí này.

“Vấn đề này tác động mạnh đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn trong các lĩnh vực như hạ tầng, sản xuất, chế biến, chế tạo… lãi suất của khoản vay này tương ứng với mức bình quân của thị trường, hai bên không có biểu hiện cố tình nâng chi phí lãi vay để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp”, VCCI cho hay.

Theo VCCI, Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy vấn đề này và có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng loại trừ quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Điều 5.2.d của Nghị định. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi Nghị định có thể sẽ kéo dài và không thể sớm có hiệu lực.

Trong khi đó, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra thuế cho các năm tài chính 2022 và 2023. Nếu không có biện pháp xử lý ngay có thể gây tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự ổn định, nhất quán của môi trường đầu tư Việt Nam.

Do đó, VCCI kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo đúng trình tự thủ tục, cần ngay lập tức ngưng hiệu lực điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định này, áp dụng cho các năm tài chính 2022 và 2023.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Nghị định 132 về giao dịch liên kết: Góc nhìn từ thông lệ quốc tế

    Sửa đổi Nghị định 132 về giao dịch liên kết: Góc nhìn từ thông lệ quốc tế

    12:35, 03/01/2024

  • Rút ngắn lộ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP

    Rút ngắn lộ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP

    01:00, 11/12/2023

  • Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi

    Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi

    04:00, 01/12/2023

  • Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời

    Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời

    04:00, 18/11/2023

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "đỏ mắt" chờ sửa Nghị định 132

    03:00, 10/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan quy định về giao dịch liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO