Cần sự điều chỉnh chiến lược trong thu hút FDI

LINH NGA 03/09/2021 04:00

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.

fd

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020...

Trong đó, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (giảm 36,8% về số dự án) với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ về số vốn đăng ký). Ngoài ra, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%) nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm vẫn tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỷ USD).

Trong khi đó, có 2.720 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (cũng giảm 43,4% so với cùng kỳ).

Trong 8 tháng đầu năm 2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng (tăng 2,3%). Vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 và đạt mức tăng mạnh hơn so với 7 tháng đầu năm (tăng 16,3%).

Tuy số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 36,8% và 11%) song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần. Trong đó, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng năm 2021.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.

Xu hướng sụt giảm trong thu hút vốn FDI cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không chỉ vốn đăng ký hay giải ngân, số lượng dự án cũng đang trên đà giảm. Đây là là những chỉ báo quan trọng cho thấy cần phải có sự điều chỉnh trong chiến lược thu hút FDI sắp tới.

fd

Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc COVID-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

Thống kê cho thấy vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 38% xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005. Trong đó, theo OECD, vốn FDI đặc biệt “nhạy cảm” với khả năng đi lại của nhà đầu tư. Điều này nghĩa là vốn FDI sẽ không thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi hoạt động đi lại quốc tế trở lại gần sát ngưỡng trước đại dịch.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể đang chậm lại. Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc COVID-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

Tuy vậy, theo WB, việc vốn FDI giảm tại Việt Nam đó cũng là xu hướng chung đang diễn ra ở các quốc gia có dịch bệnh trên toàn cầu và đó là bình thường. Chúng tôi không cho rằng FDI có xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra ngoài Việt Nam. Tất nhiên Chính phủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh, củng cố nền tảng của mình và tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại, để tiếp tục là địa chỉ đầu tư giữ chân các nhà đầu tư quốc tế.

Để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh nguồn vốn được dự báo giảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.

Theo đó, các biện pháp được nhắc tới là tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Giữ FDI ở lại Việt Nam: Mấu chốt là kết nối, lan toả

    Giữ FDI ở lại Việt Nam: Mấu chốt là kết nối, lan toả

    04:00, 29/08/2021

  • Giữ FDI ở lại Việt Nam: Khuyến nghị từ WB

    Giữ FDI ở lại Việt Nam: Khuyến nghị từ WB

    05:00, 28/08/2021

  • Nỗi lo dịch chuyển FDI

    Nỗi lo dịch chuyển FDI

    11:00, 23/08/2021

  • [Infographic] Vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD

    [Infographic] Vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD

    11:00, 28/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sự điều chỉnh chiến lược trong thu hút FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO