Chia sẻ với DĐDN, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, cần đưa ra công thức tính giá và khống chế biên lợi nhuận mặt hàng thịt heo từ đó giải quyết dứt điểm các mặt hàng cấu thành chỉ số giá tiêu dùng.
Theo thống kê, những tháng đầu năm 2020, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng đến gần 300% so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ để ngăn đà tăng của giá thịt lợn trong nước. Tính đến ngày 21/5, giá thịt lợn hơi trong nước đã lên mức đỉnh, đạt 100.000 đồng/kg...
- Thưa ông, ông nhận định như thế nào về nguyên nhân của việc thịt heo “quyết giữ giá” ở mức cao thời gian vừa qua?
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này phải xét chuỗi giá trị hoàn chỉnh đi từ con giống, chăn nuôi (trong chăn nuôi có vấn đề thức ăn và vệ sinh môi trường) sau đó là hệ thống phân phối và bán lẻ đến người tiêu dùng. Trong đó, thiếu hụt nguồn cung của khâu sản xuất là nguyên nhân đầu tiên. Tiếp đến, khâu phân phối hiện có tới 2-3 bậc và tình trạng trung gian “ăn dày” tiếp tục là nguyên nhân đẩy giá thịt heo tăng cao bất chấp những yêu cầu của cơ quan quản lý.
Tôi muốn nhấn mạnh tới yếu tố hệ thống phân phối. Trong cơ cấu thị trường thịt heo có một số doanh nghiệp lớn như VISSAN, Meat Deli đã có hệ thống phân phối trực tiếp, tức không qua trung gian. Tuy nhiên tất cả các doanh nhiệp này chi 20% tổng cơ cấu thị trường. Khâu bán lẻ thịt heo vẫn chưa thay đổi qua mấy chục năm, 80% vẫn là quầy bán tại chợ dân sinh, không thẻ hiện được thương mại chuyên nghiệp. Đây chính là yếu tố chính dẫn tới giá thịt heo ở mức cao suốt thời gian dài vừa qua.
- Để giải quyết vấn đề này nhiều giải pháp như tái đàn, tăng nhập khẩu đã được đưa ra nhưng có vẻ vẫn chưa phát huy được hiệu quả, thưa ông?
Vấn đề nhập khẩu con giống để tái đàn đòi hỏi một thời gian mới hoà chung vào nguồn cung thị trường. Tính toán của Bộ NN&PTNT cho thấy sớm nhất cũng phải cuối quý III, đầu quý IV/2020. Trong khi đó, nhập khẩu thịt heo là biện pháp cần để giải quyết thiếu hụt tức thời.
Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề, giải quyết cho giải hạn phải là thay đổi thị trường bán lẻ, xây dựng hệ thống phân phối. Hiện, thị trường bán lẻ đang được thả lỏng, dẫn đến thương lái và thương nhân đội giá mấy chục nghìn đồng/kg. Điều này khiến người tiêu dùng thiệt hại.
Do đó, cần có chính sách quản lý và điều tiết giá cho mặt hàng này. Bởi thịt heo hiện chiếm tới 70% trong cơ cấu thịt tiêu thụ của người Việt Nam.
- Ông có quan ngại đề xuất này đi ngược chủ trương phát triển kinh tế thị trường?
Chúng ta đã áp dụng chính sách phát triển theo kinh tế thị trường đối với hàng trăm mặt hàng. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng chỉ tự do đến 80%, các quốc gia cũng đều giữ quyền điều hành 20% còn lại. Cách đây 1 tháng khi giá dầu của Mỹ rơi xuống mức -40 USD vỡ trận, Chính phủ Mỹ cũng tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp tránh rơi vào bờ vực phá sản. Ở Việt Nam tình huống xuất khẩu gạo cũng đã được Nhà nước can thiệp.
Tuy nhiên, chúng ta hiện còn lúng túng trong quản lý giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là các nhóm mặt hàng nằm trong chỉ số giá tiêu dùng như thịt heo. Đây là mặt hàng ảnh hưởng tới cuộc sống cơ bản của người dân, chiếm tới 70% trong thói quen tiêu dùng của người dân, đồng thời là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành chế biến như sản xuất xúc xích, thực phẩm,... Tổng dung lương thị trường thịt heo trong nước hiện khoảng 9 tỷ USD.
Do đó, tôi đề xuất Chính phủ đưa ra công thức tính giá và khống chế biên lợi nhuận cho mặt hàng thịt heo từ đó mới giải quyết dứt điểm các mặt hàng cấu thành Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói chung. Đây là công thức điều chỉnh giá chứ không phải mệnh lệnh. Chúng ta lấy bài học giá xăng dầu sau khoảng thời gian thả lỏng 10 năm trước nay được tính toán theo giá thế giới và các chi phí, có khống chế biên lợi nhuận.
Bên cạnh đó là các mặt hàng khác cấu thành chỉ số giá tiêu dùng, cùng với thịt heo thì giá điện cũng là mặt hàng đang “giằng co” giữa Chính phủ và ngành điện. Về mặt chủ trương kể cả trong giới chuyên gia cần thống nhất các nhóm mặt hàng nằm trong chỉ số giá tiêu dùng CPI cần có sự điều tiết của nhà nước.
Do đó, đề xuất Quốc hội cần thông qua quyết sách các mặt hàng nằm trong chỉ số giá CPI phải can thiệp. Bởi đã đến lúc chúng ta phải tính đến “an ninh lương thực & thực phẩm”, chứ không đơn thuần là “an ninh lương thực” như trước đây với mặt hàng gạo và thịt heo là mặt hàng ‘thực phẩm’ chính, thói quen tiêu dùng và nhu cầu người dân đã thay đổi.
- Vậy làm sao để sắp xếp, quản lý hệ thống bán lẻ như ông nói?
Qua khảo sát nghiên cứu, chúng tôi đã thấy vai trò điều tiết giá của TP HCM giao tới 1 số doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm như Vissan đã được thực hiện vài năm trước đây. Theo đó, doanh nghiệp này cam kết với thành phố về việc ổn định giá bán thực phẩm. Điều này đã được thực hiện khá tốt, giúp bình ổn giá mặt hàng cho người tiêu dùng thành phố.
Tuy nhiên, vai trò điều tiết của doanh nghiệp này đã thay đổi khi chủ trương cổ phần hoá được thực hiện, thị phần của Vissan không còn lớn như trước đây. Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Masan tham gia vào cung ứng thịt heo đã khiến vai trò bình ổn giá của doanh nghiệp cam kết giảm ảnh hưởng, thậm chí thả lỏng.
Do đó, chúng tôi đề xuất sắp xếp lại bán lẻ, yêu cầu công khai giá tại các chợ. Từ đó mới là truy suất nguồn gốc, vệ sinh ATTP.
Thực tế, hiện quầy hàng thịt tại các chợ dân sinh không niêm yết giá trong khi siêu thị thì niêm yết giá, cơ quan quản lý không thể nhắc nhở, đây là bất cập với doanh nghiệp. Điều này dẫn tới lời cam kết giữ giá chỉ là lời hứa suông. Không có cơ chế kiểm soát sự minh bạch, mặc dù niêm yết giá bán đã có quy định trong Luật Thương mại.
- Việc sắp xếp này cần được tiến hành cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trước hết phải quản lý thuế đối với kinh tế hộ để thống nhất mặt bằng thuế, bởi hiện có bất cập rất ngược đời là mức thuế khoán giữa ‘hộ kinh doanh’ thấp hơn so với mức thuế đối với doanh nghiệp gây mất cân bằng cạnh tranh giá bán. Trong khi khái niệm ‘Hộ kinh doanh’ là một thực thể không chính thống đang cần được chuyển đổi sang Doanh nghiệp, là một đặc thù của lịch sử kinh tế chỉ có ở Việt Nam từ thời bao cấp.
Khi không quản lý được giá, cộng thêm chênh lệch thuế giúp người ta phá giá, ngoài chợ một mức, các siêu thị theo đó lại niêm yết giá cao hơn ngoài chợ. Không ai nắm bắt được. Do đó, phải có quy định cho việc niêm yết giá. Trước hết, các mặt hàng chủ lực phải đăng ký công ty, các nước trên thế giới chỉ có hai hình thức tư thương cá nhân và công ty, chứ không có mô hình nào như ‘hộ kinh doanh’.
Khi đã yêu cầu thành lập công ty, sẽ đưa mặt hàng gạo và thịt heo là ngành kinh doanh có điều kiện vì nằm trong giỏ chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nói như vậy để thấy, phải nhanh chóng chuyển đổi các hộ gia đình thành doanh nghiệp, có vậy mới minh bạch đầu vào đầu ra rõ ràng.
Sau đó yêu cầu khống chế biên lợi nhuận các mặt hàng để có công thức tính toán giá với các doanh nghiệp này. Hiện gạo là 7%, với thịt heo biên lợi nhuận cũng phải minh bạch công thức tính toán. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức lãi hiện nay là 30-40%. Sau đó là hậu kiểm.
Tôi cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh giảm GDP năm nay, do đó, nếu giữ được CPI thì sẽ giữ được lòng tin của người tiêu dùng.
Xin cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
17:16, 27/05/2020
11:11, 20/05/2020
00:00, 16/05/2020
05:30, 07/05/2020
18:49, 05/05/2020