Các chuyên gia đề xuất chính sách nhằm khắc phục bất cập, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Mặc dù năm 2023 là một năm đầy thách thức nhưng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%); vốn giải ngân đạt trên 23 tỷ USD (chiểm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 khu vực FDI nộp ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD (chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách) và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD (tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước), bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động.
Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận. Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến, Việt Nam kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024. Dòng vốn FDI vào nước ta cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vẫn nhấn mạnh về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI. Cụ thể, về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Cùng với đó là những bất lợi về vấn đề về hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia xuất xứ...
Đặc biệt, nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh, vẫn chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi.
Để khắc phục những bất cập trên cũng như tạo điều kiện thuận lợi Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, GS Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế.
Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hóa nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài nhà đầu tư lớn.
“Không những thế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo…”, bà Thúy gợi ý.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia kinh tế nhận định, các chính sách thu hút, ưu đãi với khu vực FDI không hợp lý, tình trạng ưu đãi tràn lan, không tập trung vào những ngành trọng điểm hoặc không trúng vào các “khâu” tạo nên giá trị gia tăng cao mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư. Do đó, về ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút FDI, nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực Việt Nam đang mong muốn, lĩnh vực công nghệ cao.
Trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước và tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.
Đặc biệt, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình thu hút FDI cụ thể cũng như có các chương trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam bên cạnh nhiều dự án tốt, thực sự mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thì cũng có những dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.
“Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn, không đạt được tiêu chí mà Việt Nam đưa ra. Việt Nam cũng cần có các tiêu chí về môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng khi đầu tư tại Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh