Các chuyên gia cho rằng, phải có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để có thể thu hút đại bàng công nghệ cao đến Việt Nam làm tổ.
Thực tế cho thấy, nửa đầu năm 2024, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tích cực, trong đó đã có dự án bán dẫn vốn đầu tư điều chỉnh tăng hơn 1 tỷ USD. Nhiều đại bàng công nghệ thể hiện sự quan tâm, cam kết hợp tác đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam mở ra triển vọng sáng cho việc thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao nếu sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư đủ sức cạnh tranh.
Không ít ý kiến nhận định, Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt khi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo tốt. Để không bỏ lỡ những dự án bạc tỷ trong tương lai, Việt Nam cần có lợi thế cạnh tranh nổi bật so với nhiều đối thủ trong khu vực và thế giới. Trong đó, các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay châu Âu đặc biệt quan tâm đến lộ trình, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực AI, bán dẫn…
Xoay quanh vấn đề này, PGS TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI ở khu vực và trên thế giới, kể cả trong giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm như dòng FDI chưa có nhiều dự án mang đến công nghệ cao, chưa tạo ra sự lan tỏa về công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, FDI chưa thật sự “xanh”, đặc biệt là còn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn, các đại bàng trong lĩnh vực công nghệ cao và có ảnh hưởng lớn đến một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong bối cảnh mới đang thay đổi rất nhanh chóng và khó đoán định, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách nhanh và kịp thời, phải có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để có thể thu hút đại bàng công nghệ cao đến Việt Nam làm tổ. Theo chuyên gia này, về giải pháp tập trung cho thu hút “đại bàng” FDI công nghệ cao, nên tập trung vào 5 điểm chủ yếu.
Thứ nhất, cần nhận diện rõ xu hướng và yêu cầu mới, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra và cần nghiên cứu các chính sách của các quốc gia trên thế giới (bao gồm cả các quốc gia có đầu tư lẫn các quốc gia thu hút đầu tư) về thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới, trong đó có công nghệ bán dẫn để rút ra bài học Việt Nam cần phải phản ứng như thế nào cho thích hợp.
Thứ hai, có những cơ chế chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa trong tạo môi trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực công nghệ.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị để tham gia vào chuỗi cung ứng có liên quan đến các ngành công nghệ cao, ví dụ như ngành bán dẫn. Tùy vào năng lực của chúng ta để tham gia ở mức độ phù hợp. Việt Nam chưa thể vào ngay được những công đoạn phức tạp và khó của chuỗi cung ứng của các ngành công nghệ cao, nhưng có thể tham gia vào công đoạn thấp hơn như hợp đồng thiết kế một phần, đóng gói, đào tạo nguồn nhân lực…
Thứ tư, các trường, tổ chức đào tạo, viện nghiên cứu nên liên kết với các doanh nghiệp lớn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các “đại bàng” khi họ vào Việt Nam và thậm chí phục vụ họ để họ điều động đi khắp nơi trên thế giới dọc theo chuỗi cung ứng của họ.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, giải phóng tiềm năng, đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi của môi trường đầu tư. Điều này luôn luôn phải có khi thu hút FDI nói chung và FDI đi kèm công nghệ cao nói riêng”.
Đồng quan điểm về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút FDI, chuyển từ thu hút FDI “theo chiều rộng” sang thu hút FDI “theo chiều sâu”, trong đó tập trung khuyến khích thu hút FDI vào công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần xanh hóa các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường quốc gia, khu vực và thế giới.
Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu.
Với việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút FDI từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vì mang tính chuyển giao công nghệ cao. Phần lớn các nước muốn phát triển đều phải mở cửa đón FDI công nghệ vào để học tập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước mình trước khi có tác động tràn đi đầu tư nước khác.
Đồng thời, tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực công nghệ cao. Trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, việc sửa đổi các cơ chế chính sách này phải đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước và đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.