Trong bối cảnh sức mua trên thị trường nội địa có chiều hướng tăng chậm lại, theo chuyên gia, cần triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Thực tế cho thấy, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm).
Sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước. Tình hình này đã gây ra nhiều lo ngại không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Trước thực trạng nêu trên, các chuyên gia nhận định, hiện nay, nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường. Đồng thời, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội.
Qua đó gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, tăng chi phí vận chuyển và các vấn đề về logistics do ảnh hưởng của căng thẳng quốc tế đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà bán lẻ, dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng doanh thu.
Trước những thách thức này, cần có các giải pháp chiến lược nhằm cải thiện tình hình bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp cần triển khai mạnh mẽ các chương trình khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi. Những chiến dịch này nên được tổ chức vào các dịp lễ lớn hoặc các ngày đặc biệt để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách hoàn tiền, tặng voucher mua sắm cũng có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
“Chính phủ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, thông qua việc giảm thuế VAT hoặc cung cấp các khoản trợ cấp cho người dân có thu nhập thấp. Điều này sẽ giúp tăng sức mua và thúc đẩy tiêu dùng trong nước”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo ông Đức, với xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình giao hàng. Phát triển dịch vụ giao hàng nhanh chóng và linh hoạt sẽ giúp các doanh nghiệp giữ chân khách hàng và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trực tuyến.
Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ bằng cách giảm chi phí hoạt động, thông qua các biện pháp như giảm thuế hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi. Bên cạnh đó, việc cải thiện chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Thúy Hải, Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp đề nghị, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra các chính sách thiết thực, tác động hiệu quả tới thị trường bán lẻ, cũng như xu hướng phát triển bền vững thị trường bán lẻ.
“Theo đó, cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc tháo gỡ các rào cản về pháp lý nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng thị trường trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề kích cầu tiêu dùng, giảm thuế VAT…”, Ths Nguyễn Thúy Hải chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, về nguồn lực của doanh nghiệp bán lẻ trong nước so với nhà bán lẻ nước ngoài còn yếu, vì vậy doanh nghiệp nội địa cần cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi với phương châm nắm rõ thị trường, mô hình bán lẻ và phân khúc khách hàng của mình, tránh dàn trải với quy mô quá lớn. Những doanh nghiệp nội địa cần trở thành những nhà bán lẻ chuyên nghiệp nhất.