Cùng với các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo chuyên gia, để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, vẫn cần bổ sung thêm cơ chế kiểm soát...
>> Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng; chống thao túng, lợi ích nhóm; ngăn chặn sở hữu chéo, doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng; thiết kế các quy định bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tại Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, kể từ ngày 01/7/2024, cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp).
Đồng thời, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.
Bên cạnh quy định đã nêu, Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng nêu rõ, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan…
>> Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Nhìn nhận về các quy định nêu trên, không ít ý kiến cho rằng, về cơ bản quy định được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về quản lý các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro. Đồng thời sẽ khiến việc thao túng ngân hàng của một cổ đông hay nhóm người liên quan cổ đông đó giảm đi, qua đó giúp cho hoạt động ngân hàng minh bạch và an toàn hơn thay vì chịu sự điều hành của một hoặc một nhóm cổ đông.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo các chuyên gia, để kiểm soát, ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, mình Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chưa đủ, để bảo đảm hiệu quả thực thi, cần tăng cường vai trò của ban kiểm soát đồng thời công khai tất cả cổ đông ngân hàng.
Cho ý kiến về vấn đề đã nêu, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật AnVi cho rằng, quy định cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại các tổ chức tín dụng phải công bố thông tin chưa thật sự chặt chẽ, cần công khai tất cả danh sách cổ đông.
“Thay vì tỷ lệ sở hữu 1% mới công bố thông tin thì cần công khai tất cả danh sách cổ đông, chỉ có công khai minh bạch thì mới thực sự giám sát được”, Luật sư Đức bày tỏ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trên thực tế, để tránh tiêu cực, lũng đoạn ngân hàng dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, là tỷ lệ sở hữu cổ phần, bởi khi cổ đông và người có liên quan chiếm tỷ lệ sở hữu lớn thì dĩ nhiên họ sẽ chi phối hoạt động ngân hàng; Thứ hai, là tỷ lệ cho vay; Thứ ba, là quản trị, điều hành.
Mặc dù các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã khá rõ và chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng thao túng hoạt động của ngân hàng, tuy nhiên, vẫn có những lo ngại khi áp dụng các quy định trong Luật vào thực tế. Bởi, từ trước đến nay tỷ lệ sở hữu ngân hàng của Việt Nam được khống chế rất chặt, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ án thao túng ngân hàng.
Do đó, vị chuyên gia này đề xuất, cần thiết quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu. Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường, để bảo đảm quy định được thực thi đúng.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc thao túng ngân hàng không phải chỉ có quy định giảm tỷ lệ sở hữu, giảm giới hạn cấp tín dụng hay yêu cầu sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin. Đó là các quy định cần thiết, nhưng chưa đủ, cần phải nâng cao vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, tăng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Nhấn mạnh việc thanh tra, giám sát là cần thiết và phải vào cuộc khi có hiện tượng, biểu hiện bất thường, song Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, không thể quá đặt nặng khâu này, mà cần phát huy vai trò ban kiểm soát của tổ chức tín dụng.
“Vai trò của ban này rất quan trọng, ban phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời với hội đồng quản trị, thậm chí báo cáo Ngân hàng Nhà nước về các vi phạm của hội đồng quản trị”, ông Hùng bày tỏ.
Đồng thời, để tránh ảnh hưởng tới tiếp cận vốn của người dân cũng như doanh nghiệp khi thực hiện Luật này, vị chuyên gia này đề xuất, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn triển khai thực hiện cho tốt. Các quy định trong Nghị định, Thông tư cần theo hướng tạo thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn; ứng dụng chuyển đổi số.
Có thể bạn quan tâm
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo
04:00, 21/01/2024
Ngăn sở hữu chéo trong ngân hàng: Cốt lõi vẫn là thanh tra, giám sát
00:06, 18/01/2024
Tiếp thu, điều chỉnh xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối các TCTD
17:39, 15/01/2024
Chặn sở hữu chéo ngân hàng: Nắn dòng tín dụng, lành mạnh hệ thống
03:44, 26/12/2023
Chặn sở hữu chéo ngân hàng: Cách nào để nâng cao hiệu quả thực thi?
04:04, 25/12/2023