“Để ngăn sở hữu chéo phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Hơn nữa, quy định trong luật không đủ, mà quan trọng là công tác thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng…”.
Đây là quan điểm của ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh nội dung Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 18/1/2024.
>>Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Vẫn còn nhiều quan ngại
Theo đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định ngăn sở hữu chéo, chống thao túng, lũng đoạn ngân hàng, song nhiều ý kiến vẫn hết sức băn khoăn. Cụ thể, nhiều đại biểu lo ngại, các quy định được Dự thảo đưa ra, như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 42 và Điều 43)…, đang “lấy hữu hình để trị vô hình”, hiệu quả không cao, không xử lý được vấn đề cốt lõi.
Điển hình như Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu với tổ chức và tổ chức và người liên quan (từ 15% xuống 10% và từ 20% xuống 15%) không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, không kiểm soát được thực tế.
“Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó”, đại biểu An khẳng định.
Theo đại biểu này, việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng như Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo ngân hàng không như hồ sơ trên giấy.
Đồng quan điểm, theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa), tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức hiện nay (5% và 15%) là thấp so với nhiều nước và con số này không phải là nguyên nhân gây mất an toàn hệ thống. Do đó, giảm tỷ lệ này chưa phải là giải pháp phù hợp.
Theo phân tích của các đại biểu, các cổ đông lớn không chỉ đầu tư tiền bạc, còn mang công nghệ, quản trị hỗ trợ hoạt động ngân hàng, tỷ lệ sở hữu quá thấp sẽ khiến các cổ đông không gắn bó với kinh doanh ngân hàng.
>>Ngăn sở hữu chéo trong ngân hàng: Cần làm rõ đối tượng “người có liên quan”
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, để ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. “Như trường hợp SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ sở hữu gần 5% trên giấy tờ, song mượn danh người này, người kia sở hữu thực tế trên 90%. Vì vậy, quy định trong luật không đủ, mà quan trọng là công tác thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng”, ông Thanh nói.
Do đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp “sân sau”.
“Nhìn chung, các nội dung trong Dự thảo đã bám sát các chính sách lớn đã được thông qua, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng. Vấn đề minh bạch thông tin cũng được hoàn chỉnh hơn, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, đã được hoàn thiện”, ông Thanh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Giải pháp nào hạn chế thao túng, sở hữu chéo?
04:00, 25/11/2023
Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Vẫn còn nhiều quan ngại
00:30, 30/10/2023
Ngăn sở hữu chéo trong ngân hàng: Cần làm rõ đối tượng “người có liên quan”
03:30, 05/08/2023
Ngăn sở hữu chéo trong ngân hàng: Cần tăng chế tài xử phạt
00:30, 06/06/2023