Kinh tế địa phương

Cần Thơ: Gỡ “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư

Thùy Linh 15/11/2024 19:15

Thành phố Cần Thơ tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư.

Ngày 15/11, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế – Xã hội thành phố tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2024, với chủ đề: “Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững”.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (1)
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ được đánh giá có nhiều tiềm năng nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Trung ương đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai.

Trong những năm qua, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực phát triển, với mong muốn tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định. 10 tháng năm 2024, Cần Thơ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so cùng kỳ.

“Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách. Bên cạnh đó, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự thấu hiểu, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; cũng như sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương” - ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2023 thực hiện 71.964 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm. Tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GRDP hiện hành đạt khoảng 23-24% góp phần cải thiện quy mô nền kinh tế và tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 118.491 tỷ đồng ước năm 2023 và 131.904 tỷ đồng ước năm 2024.

Kết quả thu hút đầu tư tư nhân vào thành phố lạc quan hơn kể từ năm 2021, theo đó, thành phố có 91 dự án đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp) đang được triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất là 1.910,38ha; 81 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 2.219,74 triệu USD; 275 dự án trong khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,932 tỷ USD.

image00320241115192753.jpg
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ thông tin về tình hình đầu tư tại thành phố Cần Thơ

Diễn đàn kinh tế thường niên năm nay hướng đến các mục tiêu: Nhận diện các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư, kinh doanh từ góc nhìn chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước; Hiến kế giải pháp ngắn hạn, dài hạn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Đề xuất cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Theo các diễn giả, hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông là trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm đầu tư vào thành phố Cần thơ nói riêng và cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mặc dù, hiện tại có sự quan tâm đầu tư nhưng giao thông liên kết vùng còn hạn chế so với các khu vực khác trên cả nước (chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của Vùng). Mặt khác giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, song lại thiếu đầu tư, nên chưa phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường thủy…

Theo các chuyên gia, thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đúng hướng, nhưng còn chậm, 2 khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ phát triển chưa tương xứng. Thành phố Cần Thơ tiếp tục đối diện với nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển về kinh tế - xã hội - môi trường.

Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhận định, Cần Thơ có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển các khu công nghiệp do có nhiều lợi thế, nhất là về vị trí địa lý trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thành phố đối mặt với không ít thách thức.

Cụ thể, nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại, doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng hạ tầng kết nối khu vực và các cảng biển cần được chú trọng phát triển hơn nữa, đặc biệt là các tuyến cao tốc nối liền với các tỉnh lân cận, nâng cao năng lực khai thác cảng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cung ứng cho thị trường thế giới...

image00520241115192755 (1)
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhận định, Cần Thơ có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

Theo ông Tạ Quốc Bảo, một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển công nghiệp là sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, đến khâu sản xuất và phân phối, tạo thành cụm liên kết ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại Cần Thơ và kết nối với các tỉnh lân cận vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về sự thiếu hụt của các nguồn cung thượng nguồn và hạn chế về cơ sở tầng, làm giảm tính liên kết và khả năng phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong vùng.

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất gợi mở của các diễn giả tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ đưa ra các định hướng trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, triển khai tốt, có hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để sớm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới cho nguồn thu ngân sách.

Thứ hai, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với ban, bộ, ngành trung ương sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết của trung ương về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; đồng thời tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới; trong đó có Khu kinh tế chuyên biệt, diện tích khoảng 6.000 ha nhằm tạo động lực và không gian phát triển mới, thu hút các nguồn lực tư nhân, các tập đoàn lớn về đầu tư.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch của thành phố để thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo động lực để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

image00720241115192759.jpg
Cần Thơ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Thứ tư, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện quy trình thủ tục đầu tư đúng quy định, tập trung tháo gỡ những bất cập hạn chế đối với các dự án đầu tư trọng điểm của thành phố như dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall, Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh và dự án Trung tâm nhiệt điện Ô Môn… Tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch đối với các dự án kêu gọi đầu tư tại Danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ năm, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phù hợp với định hướng chiến lược, khả năng và mong muốn của thành phố.

Thứ sáu, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP). Thành phố sẽ xây dựng một cơ chế rõ ràng, minh bạch và đảm bảo sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàngThế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các quỹ của tập đoàn tài chính phát triển là một giải pháp rất khả thi. Việc này vừa giúp giảm bớt gánh nặng tài chính từ ngân sách nhà nước, vừa giúp kích thích phát triển đô thị thành phố Cần Thơ.

Thứ bảy, phát triển quỹ đất để huy động nguồn vốn. Trong đó, ưu tiên cho phát triển quỹ đất và đầu tư các khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông của thành phố. Thành phố đã quy hoạch lại các khu đất có tiềm năng, sớm tổ chức đấu giá đất tạo nguồn thu, từ đó đầu tư lại vào các dự án hạ tầng giao thông, logistics.

Thứ tám, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai; thực hiện có hiệu quả quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp và quy trình lựa chọn nhà đầu tư; Kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của công chức, viên chức, chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp công chức, viên chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư nhằm chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc cố tình vi phạm quy định pháp luật của nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, hướng đến mục tiêu đầu tư, phát triển bền vững, có lợi nhuận nhưng cũng vì lợi ích của người dân; sử dụng những công nghệ hiện đại, đặc biệt là hướng đến nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần Thơ: Gỡ “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO