Kinh tế

Cần thực hiện các chính sách dài hạn để phát triển kinh tế tuần hoàn

Hải Ngân 13/09/2024 00:20

Việt Nam cần tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”

Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay.

Vẫn còn rào cản

Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hoá Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Sau hơn hai năm thực hiện, các nhiệm vụ tại Quyết định số 687 đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực. Không ít mô hình kinh doanh tuần hoàn được triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy hiện thực hoá và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối. Nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng; nhiều ngành đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp như: tái chế giấy vụn, đồ nhựa, sắt, thép...

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chúng ta đã trải qua 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc, tồn tại còn phải đối diện, cũng như tìm ra những bài học kinh nghiệm, các nguyên nhân để chúng ta đề ra phương hướng trong thời gian tới. Thực tiễn cho thấy một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho việc thực thi. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.

“Hạn chế, khó khăn trong thời gian tới chúng ta cần tập trung giải quyết, đó là vấn đề về: Nhận thức; cơ chế, chính sách; công nghệ; nguồn lực”, ông Phương cho biết thêm.

Phiên tọa đàm Xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đo lường và tình hình đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Phiên tọa đàm Xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đo lường và tình hình đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam tại Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”

Còn ông Bruno Jaspeart - Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C chia sẻ: “Chúng tôi là những người đi tiên phong trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái và chính sách mà Bộ Kế hoạch Đầu tư, chính sách của UNIDO đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển. Vì vậy, để xây dựng một khu công nghiệp xanh, sinh thái sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Hiện, vẫn chưa có những quy định rõ ràng về khu công nghiệp sinh thái. Tất cả mới dừng ở mức định nghĩa và nêu chức năng của khu công nghiệp sinh thái. Vì vậy, trong quá trình các dự án chuyển đổi vẫn gặp phải nhiều thách thức khi vừa làm, vừa học, nhiều thứ mới nên chưa có hướng dẫn cụ thể hay giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền”.

Cần các chính sách dài hạn

Thực tế, kinh tế tuần hoàn là một phần thiết yếu của nền kinh tế xanh và đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực EU.

Để khắc phục những hạn chế, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ban hành, thực hiện các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực và địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để trở thành một động lực quan trọng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

26.jpg
Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”

“Vấn đề đầu tiên cần phải làm đó là nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế tuần hoàn và làm rõ về các cơ chế, chính sách. Đặc biệt là cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn để có thể triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Phương cho biết thêm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bruno Jaspeart - Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C cho biết: “Chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn quy chuẩn đồng bộ để áp dụng cho khu công nghiệp sinh thái như quy hoạch theo quy chuẩn nào, tiêu chuẩn tái sử dụng nước thải như thế nào. Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển. Việc có một bộ tiêu chí cụ thể sẽ giúp hướng dẫn các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn”.

27.jpg
Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng kiên trì với mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Huy Dung

Tại Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam” được tổ chức mới đây tại TP Hải Phòng, bà Mira Nagy - Giám đốc triển khai Hướng tới Tuần hoàn tại Việt Nam, GIZ khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần nâng cao nhận thức trong khu vực tư nhân thông qua các tổ chức nhân rộng về khái niệm và lợi ích của kinh tế tuần hoàn cũng như các quy định. Phát triển cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải tại Việt Nam, cũng như các giải pháp đầu nguồn. Giảm các rào cản pháp lý như thủ tục xin giấy phép môi trường kéo dài, lệnh cấm sử dụng vật liệu thải, hạn chế nhập khẩu phế liệu. Khuyến khích và trợ cấp cho các doanh nghiệp thực hiện các bước hướng tới kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện và khuyến khích hợp tác, cũng như tham gia vào các cuộc tham vấn của EU. Tận dụng tài chính, đầu tư (bao gồm thu hút FDI) cho hoạt động R&D, công nghệ mới và đào tạo kỹ năng.

Còn theo bà Trần Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn tại địa phương, các cơ quan Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành đồng bộ, toàn diện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách áp dụng cho hoạt động tái sử dụng chất thải, nước thải, năng lượng tái tạo. Đồng thời, có quy hoạch tốt các khu công nghiệp, đặc biệt ưu tiên các khu công nghiệp định hướng khu công nghiệp sinh thải, đảm báo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Tạo các cơ chế khuyến khích cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp – đô thị, khuyến khích sử dụng hạ tầng chung, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Cùng với đó, đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế UNIDO, SECO thông qua các chương trình, dự án về triển khai, đẩy mạnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thực hiện các chính sách dài hạn để phát triển kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO