Cần trợ lực cho du lịch xanh phát triển

VŨ PHƯỜNG 13/12/2022 04:00

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hạn chế những tác động xấu đến môi trường và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên, văn hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường.

>> Khởi nghiệp từ du lịch xanh

Theo thời gian, loại hình du lịch này đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để du lịch xanh đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.

Một điểm du lịch cộng đồng tại bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vũ Phường

Một điểm du lịch cộng đồng tại bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vũ Phường

Các địa phương đồng loạt khai thác

Nước ta có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa rất phong phú, đa dạng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch xanh.

Tại Thái Bình, một trong những địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, có mối liên hệ du lịch thuận tiện với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thái Bình – Trương Thị Hồng Hạnh, phát triển du lịch tại địa phương này đang đạt tốc độ khá nhanh, hướng tới trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung toàn tỉnh.
Thái Bình đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, có thương hiệu, thân thiện với môi trường, mang bản sắc văn hoá của Thái Bình. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, xây dựng một "Bảo tàng văn minh lúa nước" với những hình ảnh sống động về đời sống, trải nghiệm văn hóa đồng quê, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn khách du lịch kể cả trong nước và quốc tế.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Làng vườn Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Vũ Phường

Mô hình du lịch cộng đồng tại Làng vườn Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Vũ Phường

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, Hiệp hội du lịch Thái Bình đang phối hợp với tổ chức JiCa Nhật Bản (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) triển khai dự án "Phát triển giao thông xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững” tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư. Mục tiêu của dự án là thiết lập đường du lịch bằng xe đạp kiểu mẫu, nhằm kết nối các cảnh quan nông thôn, các điểm di tích văn hóa và cuộc sống của Thái Bình cho du khách, lấy làng hoa cây cảnh Bách Thuận là một trong những mục tiêu du lịch, đại diện cho tỉnh Thái Bình.

Tương tự Thái Bình, tỉnh thái Nguyên cũng đang triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh này.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thái Nguyên cho hay, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, khai thác, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Đến nay, mô hình này đã phát triển ở nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên, như xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công),…

Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ), mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công), vườn hoa ATK (xã Phú Đình, huyện Định Hóa)…

Mô hình du lịch trải nghiệm cùng vườn chè tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Ảnh: Vũ Phường

Mô hình du lịch trải nghiệm cùng vườn chè tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Ảnh: Vũ Phường

Tại các điểm du lịch cộng đồng này đã có nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch.

Không chỉ Thái Bình, Thái Nguyên, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang...

Theo các chuyên gia, sau thời gian dài “đóng băng” vì đại dịch, du khách khắp nơi trên thế giới đang quay trở lại những giá trị du lịch cốt lõi và tìm lại sự an toàn khi đi du lịch. Khách du lịch ngày nay quan tâm hơn đến việc phải sống trách nhiệm với thiên nhiên và những giá trị được tạo hóa ban sẵn. Sự kết hợp hài hòa giữa các bản sắc thiên nhiên, văn hóa cộng đồng và sự quản lý của chính quyền địa phương đã thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ.

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Vũ Phường

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Vũ Phường

Cần thêm trợ lực

Đánh giá về tầm quan trọng của loại hình du lịch xanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Hà Văn Siêu cho rằng, muốn điểm đến trở thành nơi du khách muốn đến và quay trở lại, yếu tố quan trọng chính là chất lượng của môi trường, chất lượng cuộc sống, sự ứng xử với khách du lịch. Những chỉ số xanh tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn trở thành nguồn tài nguyên quý giá thu hút du khách.

>>Gắn giá trị bản địa vào phát triển du lịch xanh

>>“Tiếp sức” du lịch cộng đồng

Du lịch xanh ở nước ta đang được đẩy mạnh khai thác, các địa phương xây dựng nhiều sản phẩm mới, song cũng đối diện không ít rào cản do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.

Đơn cử như tại bản Lác, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), các hộ gia đình đang làm du lịch theo kiểu "mạnh ai nấy làm”. Để thu hút và đáp ứng lượng khách đến bản đông, các hộ đã xây dựng, sửa sang, cơi nới những nhà sàn truyền thống, thay vào đó là những ngôi nhà được xây bằng bê-tông giả gỗ, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ như cafe, spa…, khiến cho không gian văn hóa nhà sàn của người Thái bị phá vỡ.

Du lịch cộng đồng tại Mai Châu, Hòa Bình đang bị phá vỡ bởi những dịch vụ hiện đại. Ảnh: Vũ Phường

Du lịch cộng đồng tại Mai Châu, Hòa Bình đang bị phá vỡ bởi những dịch vụ hiện đại. Ảnh: Vũ Phường

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đối với du lịch xanh, nếu chỉ xét về tiêu chí môi trường thôi chưa đủ, mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở điểm đến. Phát triển du lịch cần hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và người dân và có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đối tượng này để đưa du lịch phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cần chú trọng việc sử dụng công nghệ xanh, ngăn chặn những hành vi làm nguy hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm du lịch, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Song song đó, cần lên án những dự án phát triển nóng không quan tâm đến bảo vệ môi trường, những hoạt động du lịch xô bồ, ồ ạt.

>> Du lịch cộng đồng - Cần chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững

>> Định hướng cụ thể cho du lịch cộng đồng

Ông Phan Đình Huê, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt cho rằng, du lịch xanh cần thêm trợ lực để có thể phát triển. Hiện nay chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng xanh, bền vững (như ưu đãi các loại thuế, nguồn vốn vay…) vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hoặc chi phí chuyển đổi cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch xanh cũng là một thách thức cần giải quyết.

Còn theo ông Vương Đình Mạnh, Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa, cần có chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Như thế, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp du lịch cùng tham gia phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, cộng đồng du lịch cần đồng lòng hơn nữa để thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi, hướng tới xây dựng nền du lịch xanh, đem lại giá trị bền vững và lâu dài.

Thực sự, không dễ để phát triển du lịch xanh. Và nếu phát triển rồi thì gìn giữ được cách làm ấy lại càng khó. Do vậy, cần thêm những hỗ trợ từ cơ chế để để hướng đến du lịch xanh bền vững. Và thực tế, đó cũng là điều cần lưu ý ở các địa phương khác đang coi du lịch xanh là hướng đi không thể đảo ngược, ông Mạnh cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ du lịch xanh tại Quảng Nam

    Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ du lịch xanh tại Quảng Nam

    03:00, 09/12/2022

  • Gia Lai: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh định hướng phát triển du lịch xanh

    Gia Lai: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh định hướng phát triển du lịch xanh

    22:11, 25/11/2022

  • Lan tỏa du lịch xanh Quảng Nam từ cộng đồng

    Lan tỏa du lịch xanh Quảng Nam từ cộng đồng

    04:00, 17/09/2022

  • Mở thêm cơ chế cho du lịch xanh Đà Nẵng

    Mở thêm cơ chế cho du lịch xanh Đà Nẵng

    05:31, 03/09/2022

  • “Điểm nghẽn” du lịch xanh Quảng Nam

    “Điểm nghẽn” du lịch xanh Quảng Nam

    00:00, 07/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần trợ lực cho du lịch xanh phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO