Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề cao vai trò cộng đồng trong việc lan tỏa du lịch xanh tại Hội thảo “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam” chiều ngày 16/9.
>>Số hóa các điểm đến du lịch tại Đà Nẵng
Tại Hội thảo “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam”, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho hay địa phương đã quyết tâm cho một hành trình hướng đến mục tiêu du lịch xanh - bền vững của Quảng Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch sẽ không lẻ bóng mà có sư hiện diện và ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của cộng đồng và doanh nghiệp, sự hợp tác kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức, các chuyên gia...
“Như một thách thức hiển nhiên, du lịch xanh sẽ gặp nhiều trở lực, những khó khăn phải đối mặt. Nhưng sự kiên định được thử thách bởi thời gian và công sức cho chuyển biến nhận thức và hành động, thay đổi tư duy thích ứng để chuyển đổi hệ thống quản trị tốt và phát triển nhân lực, chấp nhận mất nhiều phí tổn nguồn lực hay quyết định khó khăn trong giải quyết xung đột với mô hình cũ. Nhưng chúng tôi không bao giờ chùn chân mỏi gối. Đứng lại đồng nghĩa với tụt lùi cho những giá trị bền vững mà chúng tôi theo đuổi nhiều năm qua”, ông Phan Xuân Thanh khẳng định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, việc hiện thực hóa ý niệm về con đường du lịch xanh của Quảng Nam, sẽ dần được hiện hữu thông qua những nỗ lực để được tiếp bước của hoạt động du lịch Quảng Nam. Từ vấn đề môi trường- rác thải trong du lịch đến việc nương tựa vào tài nguyên thiên nhiên biển cả, dòng sông, cánh đồng và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống… để tạo ra bầu không khí du lịch trong lành, những sản phẩm du lịch khác biệt riêng của địa phương. Điều đó cũng đã được định lượng một phần bởi Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay du lịch xanh sẽ là xu hướng lựa chọn tất yếu của nhân loại, đề cao ý thức con người trong bảo vệ thiên nhiên. Theo ông Tân, cần giữ gìn bản sắc văn hoá và quán triệt tinh thần phát triển du lịch xanh trong từng đề án phát triển du lịch, từng doanh nghiệp, sản phẩm du lịch cụ thể.
“Ngành du lịch sẽ tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh ở các cơ sở kinh doanh du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Quảng Nam cần thêm những sản phẩm du lịch xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh mang lại giá trị đích thực. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 10 – 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu”, ông Trần Văn Tân thông tin.
Cũng theo ông Tân, người đừng đầu các cấp, cơ quan doanh nghiệp và mỗi người dân đều phải là một đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh, thực hiện tốt tiêu chí du lịch xanh để đón khách du lịch. Với bề dày lịch sử, đặc trưng của văn hóa Quảng Nam, các hoạt động phải được thiết lập trên nền tảng văn hoá du lịch nương tựa, bảo tồn phát huy văn hoá đặc trưng, chú trọng giảm áp lực cho di sản và giữ gìn, tái tạo môi trường sống.
Ông Douglas Hainsworth, chuyên gia Dự án Du lịch bền vững Thụy Sĩ nhìn nhận tài nguyên văn hóa đặc trưng của Quảng Nam đóng vào trọng quan trọng cho sự phát triển của du lịch xanh. Vị này cho rằng chính nguồn tài nguyên phong phú và nổi bật của Quảng Nam là nền tảng để cung cấp dịch vụ du lịch.
“Đây cũng là chìa khóa thành công của ngành du lịch Quảng Nam, chính những thành công đó đã giúp tăng trưởng kinh tế và đầu tư đáng kể và tạo việc làm, cơ hội nâng cao thu nhập trong khu vực phi chính thức. Qua đó, đưa Quảng Nam trở thành một điểm đến “không thể bỏ qua” ở Việt Nam. Đặc biệt, góp phần tăng thêm chất lượng tổng thể và khẳng định hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới…”, ông Douglas Hainsworth khẳng định.
Theo các chuyên gia, xuất phát từ những thành công cũng sẽ đi kèm nhiều thách thức và bỏ lỡ cơ hội. Trong đó, sẽ diễn ra sự đông đúc quá mức tại các địa điểm quan trọng nhất và dễ tiếp cận nhất. Ngoài ra, mức tăng trưởng nhanh vượt quá so với quy hoạch kỹ lưỡng dẫn đến các vấn đề như phát triển không đồng bộ, quản lý rác thải,...
Cùng với đó, cơ hội thu lợi nhuận nhanh chóng nhưng sản phẩm và dịch vụ chất lượng thấp và không khác biệt dẫn tới giảm chất lượng chung của các sản phẩm du lịch văn hóa. Đặc biệt, trải nghiệm của du khách và sự phát triển vẫn tập trung ở một vài nơi, theo đó lợi ích chưa đến được những vùng nghèo khó có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tạo nên bức tranh du lịch không đồng đều.
Có thể bạn quan tâm