Được đánh giá có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thế nhưng, theo chuyên gia, hiện nay, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, cần những trợ lực thúc đẩy phát triển…
>> Soi chiếu “bức tranh” công nghiệp hỗ trợ
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 2.000 doanh nghiệp sản xuất, gia công phụ tùng, linh kiện, tuy nhiên, chỉ có hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Thực tế, CNHT đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thể hiện năng lực sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước. Thế nhưng, trong bức tranh ngành CNHT của Việt Nam, doanh nghiệp khu vực này vẫn đang thiếu và yếu trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Chia sẻ tại cuộc gặp với Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Hải tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, ông Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội cho biết, từ số liệu CNHT nếu so sánh Việt Nam với các cường quốc trên thế giới thì cũng rất “vô cùng”. Chỉ cần nhìn ngay trong nội khối ASEAN như Thái Lan cũng sẽ nhận thấy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang ở “đâu đó” khoảng 20%. Trong khi Thái Lan đã nội địa hoá được 80%. Đây là một thách thức vô cùng lớn trong việc Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các ngành, như điện tư, ô tô, chế tạo…
Trong khi, hàng năm, thị phần của Việt Nam phải nhập hàng trăm tỷ USD linh, phụ kiện của nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp và sản xuất các sản phẩm cung ứng ra thế giới và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Hoàng, về mặt chính sách Nhà nước đối với CNHT trong các nhiệm kỳ cũng đã có được sự quan tâm như việc ban hành một số chính sách bao gồm Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số Thông tư hướng dẫn…
Tuy nhiên, những chính sách hiện có lại chưa đi vào được đời sống của doanh nghiệp, cũng như cộng đồng doanh nghiệp CNHT. “Bức tranh” nhìn thấy lúc này là “đếm trên đầu ngón tay” doanh nghiệp CNHT Việt Nam được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước đưa ra.
“Từ đó dẫn đến doanh nghiệp CNHT đã khó lại càng khó hơn. Và câu hỏi đặt ra, doanh nghiệp CNHT đã chủ động được gì trước những tranh luận câu chuyện “quả trứng và con gà”. Đó là, doanh nghiệp thì “đòi” chính sách hoặc hỏi có chưa? Còn nhà nước trả lời có rồi tại sao chưa làm?”, ông Hoàng bày tỏ.
>> Gắn kết phát triển giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
Dù còn đó những khó khăn, vướng mắc, thế nhưng không thể phủ nhận, với những nỗ lực và cố gắng của nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, ngành CNHT trong nước đã có những bước tiến đáng kể.
Cụ thể, một số doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã trở thành “nhà vệ tinh” cấp 1, cấp 2 cho một số tập đoàn đang có mặt tại Việt Nam, như Samsung, Toyota, Honda, Ford… Và cũng đã tự chủ động sản xuất, xuất khẩu được một số sản phẩm linh kiện, thành phẩm xuất khẩu đi nước ngoài; doanh nghiệp CNHT đã đầu tư xây dựng học viện đào tạo hướng nghiệp ngành CNHT nhằm tiếp cận tất cả những lao động cuối kỳ của các trường cao đẳng nghề, đại học, công nhân kỹ thuật…; doanh nghiệp CNHT đã kết nối được với doanh nghiệp Nhật Bản và thành lập Công ty tư vấn, đầu tư, phát triển CNHT Việt Nam – Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng, với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với doanh nghiệp ở Mỹ, con số này ở mức 43%.
Tuy nhiên, với những số liệu nói trên so với tiềm lực của ngành CNHT trong nước, đây vẫn là con số còn khá khiêm tốn.
Nhận định về bức tranh của ngành CNHT trong nước, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI thừa nhận, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá là hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Như, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40%. Ở những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa chỉ được ở mức khiêm tốn lần lượt là: 15% và 5% và phần lớn là các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nước cung cấp.
Từ đó, để tạo điều kiện cho CNHT phát triển, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, CNHT cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, để phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp CNHT cần một nguồn vốn rất lớn, do đó, bà Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, cần kéo gần “sợi dây” kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các giải pháp tài chính. Hiện TPBank đang triển khai các giải pháp tài chính linh hoạt cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, như cung cấp giá trị hạn mức được cấp đáp ứng được kế hoạch tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp; ưu tiên room tín dụng cho nhu cầu bổ sung vốn lưu động dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ngoài ra, một chuyên gia cũng đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chính sách phát triển CNHT nói riêng theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và dễ tiếp cận nhất để khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm và quyết tâm hơn trong đầu tư phát triển CNHT, để nguồn lực của đất nước được huy động, phân bổ và đầu tư một cách hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Soi chiếu “bức tranh” công nghiệp hỗ trợ
00:03, 22/08/2022
Đà Nẵng ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
09:31, 27/07/2022
Gắn kết phát triển giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
03:00, 16/07/2022
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
19:44, 22/04/2022
Công nghiệp hỗ trợ cần chính sách hiệu quả
11:00, 25/03/2022