Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc sẽ khiến CNY giảm mạnh hơn nữa, làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thêm 0,5% vào ngày 16/9 tới. Theo đó, sẽ có khoảng 126 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế Trung Quốc.
- Ông đánh giá thế nào về động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC?
Việc PBoC cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, được xem như một trong những biện pháp nới lỏng tiền tệ, cho phép các ngân hàng thương mại có thêm nguồn vốn tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Sở dĩ PBoC phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang, khiến kinh tế Trung Quốc đã suy giảm mạnh, sản xuất bị trì trệ, xuất khẩu giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh… Động thái này của PBoC được xem như một trong những “vũ khí” của Trung Quốc để đấu lại với Mỹ trong thương chiến.
- Kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động ra sao từ động thái nói trên của PBoC, thưa ông?
Với việc nới lỏng tiền tệ của PBoC sẽ khiến CNY tiếp tục giảm giá so với USD và các đồng tiền khác. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhưng lại khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/03/2019
11:00, 05/03/2019
05:29, 23/02/2019
06:00, 29/01/2019
06:00, 04/01/2019
10:00, 27/12/2018
06:20, 19/12/2018
Còn đối với Việt Nam, việc nới lỏng tiền tệ của PBoC sẽ tạo áp lực đối với việc phá giá VND. Bởi vì, VND đã và đang khá ổn định so với USD từ đầu năm đến nay, nếu CNY tiếp tục giảm giá, sẽ khiến VND tăng giá mạnh hơn so với CNY, làm cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Ngược lại, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn.
- Vậy theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần có biện pháp nào để phòng ngừa rủi ro nói trên?
Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, đang đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là khi CNY tiếp tục giảm giá. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng sản phẩm tốt hơn, có thể bù trừ cho việc hàng xuất khẩu tăng giá do biến động tỷ giá.
Mặt khác, trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung có nguy cơ kéo dài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm thêm các thị trường mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, một công cụ mà các doanh nghiệp có thể sử dụng là hợp đồng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn với các ngân hàng trong nước, khi tỷ giá biến động mạnh. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể bán ngoại tệ kỳ hạn cho ngân hàng với một tỷ giá được neo trước. Đối với các nhà nhập khẩu có thể mua ngoại tệ kỳ hạn để thanh toán cho hàng hóa trong tương lai với một tỉ giá được xác định trước, để tránh tỷ giá tăng cao. Việc sử dụng hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn sẽ giúp các doanh nghiệp bảo đảm mức lợi nhuận, bất chấp biến động của tỷ giá.
- Xin cảm ơn ông!