Chứng khoán

Cẩn trọng rủi ro với các biến động trên thị trường chứng khoán

Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán 12/04/2025 16:05

Với những yếu tố bất lợi, đặc biệt là mức thuế quan mới của Mỹ đối với Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 4 có thể tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh.

TTCK Việt Nam trong khoảng hai tuần vừa qua đã trải qua một giai đoạn đầy biến động với sự đan xen giữa các yếu tố tích cực và không tích cực.

chung-khoan2.jpg

Tác động từ thuế quan của Mỹ

Sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, VN-Index đã giảm mạnh từ trên 1.300 điểm xuống tới 1.246 điểm, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều sự kiện kinh tế - chính trị trong và ngoài nước tác động mạnh mẽ.

Trước đó, áp lực điều chỉnh từ TTCK thế giới, cộng với chính sách thuế quan của Mỹ, lực bán bắt đầu gia tăng khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh sau khi chạm đến mốc 1.340 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM và một số mã ngân hàng như TCB, BID, chỉ số VN-Index lại quay trở lại đà tăng.

Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu. Từ phiên giao dịch ngày 25/3, thị trường bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh mạnh thực sự khi thông tin về chính sách thuế quan mới của Mỹ được công bố, đặc biệt nhóm xe hơi với mức thuế nhập khẩu 25% áp dụng từ ngày 2/4 vừa qua. Ngoài ra, Mỹ cũng vừa tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng từ 10 - 49% đối với nhiều quốc gia.

Các nhà đầu tư (NĐT) dường như không thể định hình được tác động này ra sao? Lo ngại về tác động dây chuyền từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may (TCM, STK) và thép (HPG) chịu áp lực bán mạnh. Đáng chú ý hơn cả chính là những cái tên như FRT, FPT, ACV, DGC, PNJ, GMD… với mức giảm 20-30% chỉ trong thời gian ngắn, bởi trước đó không lâu đây là những cổ phiếu được nhiều NĐT săn đón. Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu tăng là rất hiếm, ghi nhận một số mã như GEE, GEX, SHB, POW… nhưng tăng không nhiều.

Trước đó, chỉ số VN-Index duy trì trên mốc 1.300 điểm sau ngày chốt cuối cùng quý 1/2025 nhưng dường như tác động của bộ đôi VHM, VIC là quá lớn. Tính toán sơ bộ bộ đôi này đã hỗ trợ gần 30 điểm vào chỉ số chung VN-Index. “Xanh vỏ, đỏ lòng” ở chiều sâu rộng chắc hẳn khiến không ít NĐT giai đoạn này thua lỗ nặng. Cho dù thanh khoản đang duy trì khá tích cực trung bình trên sàn HOSE đạt khoảng 17.000 – 18.000 tỷ đồng/phiên nhưng không thể khẳng định rằng dòng tiền mới đã gia nhập.

index.jpg
Sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, VN-Index đã giảm mạnh từ trên 1.300 điểm xuống tới 1.246 điểm.

Thị trường khó tích cực hơn

Trong khi đó, khối ngoại vẫn là một điểm trừ lớn, trong quý 1/2025, khối ngoại đã bán ròng lên đến hơn 1 tỷ USD và tiếp tục bán ròng trong những phiên đầu tiên của tháng 4 này. Đà bán ròng tính theo tháng có lẽ là kỷ lục của kỷ lục và chưa biết khi nào khối ngoại mới dừng bán ròng. Mặc dù được đỡ lại bởi NĐT cá nhân nhưng dường như lực mua này chủ yếu phục vụ bắt đáy và giao dịch ngắn hạn nhiều hơn. Trong kịch bản kém khả quan, tức là thị trường không thể hồi phục thì đây lại chính là lực bán trong thời gian tới.

Xét về vĩ mô, chưa có nhiều điểm sáng dù chỉ số PMI lần đầu trên mốc 50 điểm sau nhiều tháng ở dưới mốc này. Việc Mỹ áp thuế đồng loạt đối với nhiều đối tác thương mại vào ngày 2/4 vừa qua có thể khiến thế giới hỗn loạn hơn, các tác động dây chuyền và đan xen lớn hơn. NĐT càng trở nên thận trọng và điều này khó kỳ vọng thị trường sẽ tích cực.

Nhìn về phía trước, TTCK Việt Nam trong tháng 4 và nửa đầu năm 2025 có thể tiếp tục đối mặt với những biến động. Vùng 1.200 điểm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường với một số niềm tin. Lo ngại thuế quan đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu trong đợt điều chỉnh vừa qua nên áp lực sẽ giảm dần. Ngoài ra, các yếu tố tích cực đáng chú ý bao gồm: (1) triển vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX; (2) kỳ vọng nâng hạng thị trường lên mới nổi; và (3) tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, dự kiến đạt 20 - 25% trong năm 2025.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là kỳ vọng và chưa ai thực sự định hình rõ nét những gì sẽ xảy ra. Các NĐT lớn sẽ còn thận trọng và khi tiền lớn chưa quay lại, thật khó kỳ vọng TTCK tăng điểm. Kịch bản kém khả thi hơn nữa khi mà kinh tế Mỹ thực sự gặp vấn đề, có thể TTCK còn gặp áp lực điều chỉnh lớn hơn so với hiện nay.

Tuy nhiên cập nhật thêm sau quyết định hoãn thuế 90 ngày của Tổng thống Trump, TTCK Việt Nam đã hòa cùng không khí hưng phấn để tạo nên phiên giao dịch lịch "trắng bên bán" và các mã VN30 tím trần; phiên kế tiếp tuy có phần điều chỉnh một số mã cổ phiếu song tiếp tục ghi nhận tích cực, dòng tiền mạnh với thanh khoản hơn 1,5 tỷ USD. Điều này càng cho thấy tâm lý thị trường gắn với sự biến động xoay quanh chính sách thuế quan, theo đó việc tăng điểm hay đi theo chiều tiêu cực nếu có thể xảy ra nếu các thông tin này tiếp tục có thêm những đảo chiều mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cẩn trọng rủi ro với các biến động trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO