Cẩn trọng “sốt ảo” khu Đông Hà Nội

HUYỀN TRANG 25/08/2023 02:00

Nhiều người không khỏi đắng lòng khi bỏ tiền tỷ tậu chung cư, biệt thự, đất nền ở phía Tây Hà Nội. Bất động sản khu Đông đang “sốt nóng”, liệu có nguy cơ rơi vào “vết xe” của khu Tây?

 Bất động sản phía Đông Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. (Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm. Ảnh: Nguyễn Quang

Bất động sản phía Đông Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. (Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm. Ảnh: Nguyễn Quang

>> Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Hà Nội nửa cuối năm?

Giữa năm 2008, việc Hà Tây sát nhập về Hà Nội mới được Quốc hội bấm nút thông qua, nhưng trước quyết định này cả năm thì bất động sản (BDS) mọi phân khúc phía Tây Hà Nội đều tăng giá chóng mặt.

Hàng loạt dự án hoang tàn phế tích

Sau 15 năm, nhiều dự án BDS phía Tây Hà Nội còn dang dở, người mua không còn đủ kiên nhẫn để đòi nhà, chủ đầu tư cũng mất tăm. Một loạt dự án được coi là “hàng nóng” như liền kề Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Nam An Khánh, HUD Vân Canh, Khu đô thị Vườn Cam... đến nay vẫn bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm.

Khu đô thị Nam An Khánh nằm ở phía Tây Thủ đô, thuộc 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), ngay nút giao giữa Đại lộ Thăng Long và trục đường Lê Trọng Tấn, được xây dựng từ năm 2008, với tổng diện tích đất dự án quy hoạch cho xây dựng khu đô thị gần 190ha, do Tổng Công ty Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Các sản phẩm bao gồm biệt thự, liền kề, shophouse, trung tâm thương mại, chung cư.

Sau 15 năm, diện mạo toàn dự án vẫn còn dang dở, chưa đồng bộ về hạ tầng. Một vài phân khu đã xây dựng xong hoặc hoàn thiện đồng bộ phần sơn phía ngoài, tuy nhiên vẫn vắng bóng người, tình cảnh hoang hoá gây lãng phí tài nguyên, nhếch nhác diện mạo đô thị.

Nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi, Lideco là một trong những dự án lớn nhất huyện Hoài Đức. Dự án do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư có quy mô 38,23ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng gồm 600 ngôi biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Đến nay đa số mới chỉ xong phần thô, cả khu đô thị rơi vào tình cảnh hoang hoá, xuống cấp.

Dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư, khách hàng vẫn mòn mỏi đi kêu cứu khắp nơi đòi quyền lợi sau khi đã nộp hàng tỷ đồng tại dự án này. Theo thiết kế, dự án này có 3 tòa nhà cao 45 tầng với 5 loại căn hộ, giá mỗi m2 từ 1.500 USD đến 1.800 USD. Sau hàng loạt động thái đấu tranh từ mềm mỏng đến quyết liệt, cộng đồng cư dân mua nhà tại dự án vẫn chỉ thu lại được lời hứa.

Khi phương án mở rộng Thủ đô được công bố, giá phân khúc đất nền tại phía Tây Hà Nội được đẩy lên đỉnh điểm. Giá cao gấp 2 - 3 lần so với nửa năm trước. Đất thổ cư, đất vườn, đất rừng đều bị xẻ ra giao bán.

>> Dự án đường Vành đai 4 tác động thế nào đến thị trường bất động sản Hà Nội?

Những cơn sốt đất ở Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai, Mê Linh... dù rất nhanh nhưng cũng khó có thể so sánh với Ba Vì, nơi mà cơn sốt đất đến và đi được ví như một "cơn lốc". Đầu năm 2010, thông tin Trung tâm hành chính Quốc gia sau này sẽ chuyển về Ba Vì, những làng quê, ngọn đồi, bìa rừng tại Yên Bài, Vân Hoà, Tản Lĩnh... bị nhà đầu tư cày xới. Giá đất tăng gấp 2-3 lần, từ 70-80 triệu mỗi sào lên tới 250 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng, nơi này không còn giao dịch khi chính quyền khẳng định "thông tin về trục Ba Vì - Hồ Tây chưa được thông qua và câu chuyện trung tâm hành chính phải 20-30 năm nữa mới có thể bàn đến". Bong bóng đất Ba Vì "nổ tung".

Khu Đông tránh đi vào “ vết xe” khu Tây

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực phía Đông sẽ được định hướng phát triển trở thành Trung tâm Hành chính Thương mại Quốc tế, công nghệ kỹ thuật cao, đô thị hiện đại. Khu vực phía Đông gồm Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh đang nổi lên là thị trường dẫn đầu về BĐS.

Hiện tại, khu vực phía Đông Hà Nội có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BĐS như Vingroup, Ecopark, Masterise, T&T, BRG Group, Eurowindow… với những “đại dự án” đang tiếp tục được triển khai. Thị trường BĐS phía Đông đang trở mình mạnh mẽ, nguồn cung và giá không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giá BĐS càng cao, nhà đầu tư càng phải thận trọng, tránh đi vào “ vết xe” khu Tây. Đầu tư “ăn theo” quy hoạch luôn là hình thức đầu tư mạo hiểm. Bởi nếu thông tin quy hoạch được thực hiện và thực hiện nhanh chóng, đúng tiến độ nhà đầu tư có thể lãi đậm, song khi thông tin quy hoạch bị bác bỏ, hay tiến độ thực hiện kéo dài, nhà đầu tư dễ rơi vào thua lỗ.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ: “ Đối với các thông tin quy hoạch ở khu Đông Hà Nội cũng như những khu vực khác tại thời điểm hiện tại, chỉ những người có nhu cầu thực hay những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi muốn đầu tư dài hạn thì có thể xuống tiền. Còn với các nhà đầu tư lướt sóng, dùng đòn bẩy tài chính thì không nên”.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đưa một loạt giải pháp quan trọng để để thị trường BĐS phát triển bền vững gồm: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS; Hoàn thiện chính sách thuế, ngăn chặn tình trạng đầu cơ BĐS; Ngăn chặn tình trạng "thổi giá", sốt giá, "bong bóng" BĐS.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản Hà Nội: Ẩn số về giá

    Bất động sản Hà Nội: Ẩn số về giá

    05:00, 16/05/2023

  • “Vùng an toàn” trên thị trường bất động sản Hà Nội được giới đầu tư săn tìm

    “Vùng an toàn” trên thị trường bất động sản Hà Nội được giới đầu tư săn tìm

    16:07, 17/02/2023

  • Tương lai thị trường bất động sản Hà Nội

    Tương lai thị trường bất động sản Hà Nội

    05:00, 18/01/2023

  • Tương lai của thị trường bất động sản Hà Nội

    Tương lai của thị trường bất động sản Hà Nội

    03:00, 11/01/2023

  • Thị trường bất động sản Hà Nội sẽ sớm khởi sắc

    Thị trường bất động sản Hà Nội sẽ sớm khởi sắc

    19:52, 17/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cẩn trọng “sốt ảo” khu Đông Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO