Tình hình ở ASEAN phụ thuộc nhiều vào các chính sách địa phương bên cạnh giá cả tài nguyên, khoáng sản toàn cầu.
>>Lạm phát năm 2023 dự báo xoay quanh mức 3,5%
Theo báo cáo vừa công bố, HSBC cảnh báo bức tranh lạm phát của ASEAN vẫn còn mờ mịt khi tình hình ở nhóm quốc gia này phụ thuộc nhiều vào các chính sách địa phương bên cạnh giá cả tài nguyên, khoáng sản toàn cầu.
Ví dụ, các nước xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản như Malaysia và Indonesia đã sử dụng lợi nhuận “trời cho” để triển khai các gói trợ cấp khổng lồ. Hỗ trợ tài chính cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ cắt giảm thuế nhiên liệu ở Việt Nam cho đến phát phiếu mua hàng các loại ở Singapore. Lạm phát của ASEAN sẽ tiến triển như thế nào khi bước sang năm 2023?
Từ quý 4 năm 2022, lạm phát toàn phần ở hầu hết các nước ASEAN đã bắt đầu có dấu hiệu đảo ngược tình thế (Biểu đồ 19). Thái Lan là nước đầu tiên chứng kiến lạm phát toàn phần đạt đỉnh do giá dầu toàn cầu hạ nhiệt. Mặc dù có một đợt tăng nhẹ vào tháng 12, chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở, nhưng xu hướng này sẽ duy trì trong năm 2023. Tuy nhiên, lộ trình để lạm phát trở lại mục tiêu có thể sẽ diễn ra rất chậm rãi và khó khăn vì hai lý do. Thứ nhất, sự quay trở lại của khách du lịch ở Thái Lan sẽ tạo áp lực do nhu cầu lên giá cả một cách đáng kể. Thứ hai là sự thận trọng trong tài khóa. Áp lực về giá sẽ xuất hiện trở lại khi các cơ quan chức năng giảm dần các khoản trợ cấp hào phóng. Chẳng hạn, giá điện cho hộ gia đình và kinh doanh dự kiến sẽ tăng từ 4,72 THB lên 5,33 THB/đơn vị từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra ở Malaysia, với các khoản trợ cấp hào phóng sẽ được điều chỉnh theo hướng chọn lọc hơn vào năm 2023, mặc dù nhiều khả năng vẫn còn khá lớn. Thủ tướng Anwar Ibrahim đã thể hiện ý định giảm trợ cấp điện cho các doanh nghiệp lớn và chuyển ngân sách sang cho đối tượng cần hỗ trợ hơn, theo đó, những người sử dụng điện trung thế và cao thế phải trả phụ phí cao hơn 0,2 MYR mỗi kilowatt giờ kể từ ngày 1/1. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu tâm là lạm phát cơ bản, vốn được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ (Biểu đồ 20) và chúng tôi cho rằng sẽ còn khó khăn trong năm 2023.
Ở Indonesia, khi chính phủ tăng giá nhiên liệu trong nước lên 30%, người ta lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng vọt. Sau đợt tăng giá nhiên liệu, lạm phát giá điều hành đã ở mức hai con số. May mắn thay, lạm phát năng lượng gia tăng đã được bù đắp nhiều hơn bởi giá lương thực giảm do một vụ mùa bội thu, do đó kiềm chế lạm phát toàn phần. Lạm phát đã đạt đỉnh với lạm phát CPI toàn phần đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, những lo lắng về lạm phát cơ bản vẫn tồn tại khi tiến sát đến ngưỡng trên của mục tiêu lạm phát 2-4% của Ngân hàng Indonesia (BI). Chúng tôi kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ tăng từ 3,3% trong tháng 11 lên mức trung bình 3,7% trong nửa đầu năm 2023, do tác động đợt hai của việc tăng giá nhiên liệu bắt đầu. Sau đó, HSBC dự đoán lạm phát sẽ dịu đi, mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu 3% trong nửa năm sau 2023.
Singapore là nước có mức lạm phát tăng cao nhiều nhất khi lạm phát toàn phần đã vượt qua mức đỉnh trong tháng 9. Chúng tôi cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi Singapore triển khai giai đoạn đầu tiên tăng thuế suất hàng hóa và dịch vụ (GST), từ 7% lên 8%, kể từ ngày 1/1. Cụ thể, điều quan trọng là xem xét điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào với lạm phát cơ bản vốn đã cao và được hỗ trợ bởi thị trường lao động chặt chẽ. Trong khi đó, các chỉ số về thị trường nhà ở tư nhân vẫn cho thấy một thị trường sôi động với nhu cầu dồi dào, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) lưu ý rằng tỷ lệ nhà trống đang ở dưới mức trung bình trong lịch sử.
Trái ngược với hầu hết các quốc gia ASEAN, có hai quốc gia vẫn chưa chứng kiến lạm phát đạt đỉnh. Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát toàn phần bình quân ở mức 3,2% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhưng các chỉ số lạm phát gần đây liên tục vượt ngưỡng 4%, phản ánh đà lạm phát đang gia tăng. Mặc dù tình hình được xoa dịu phần nào nhờ giá dầu bình ổn, lạm phát cơ bản và lương thực tiếp tục leo thang ở Việt Nam.
Philippines đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát lương thực, đẩy lạm phát tháng 12 của nước này lên mức cao nhất trong ASEAN. Một rủi ro đã được ghi nhận ngay cả trước cuộc bầu cử ở đây là chính quyền Marcos có thể sẽ thay đổi chính sách, điều mà họ đã làm, bằng cách áp đặt các hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng lương thực chính để giúp đạt được cân bằng trong bảo vệ ngành nông nghiệp và người tiêu dùng. Hạn chế nhập khẩu, thông qua thuế quan hoặc các biện pháp phi thuế quan, có thể giúp nâng cao thu nhập của những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng có sự đánh đổi ngay lập tức vì nó dẫn đến giá bán lẻ cao hơn cho người tiêu dùng (Biểu đồ 23). Điểm sáng ở đây là chúng tôi tin rằng lạm phát đã chạm đỉnh vào tháng 12. Tuy nhiên, các rủi ro tăng giá còn chi phối triển vọng khi chính quyền nghiêng về hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng thực phẩm có thể sẽ khiến lương thực và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động.
Theo HSBC, đầu tiên và quan trọng nhất, chúng tôi tin rằng rủi ro chính là lạm phát cơ bản còn dai dẳng, trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở một số thị trường cao hơn so với năm 2019 trong bối cảnh mức độ phục hồi của ngành du lịch trong khu vực còn nhỏ. Tức là khả năng phục hồi còn lớn, gây áp lực về giá do nhu cầu.
Mặc dù lạm phát nhập khẩu giảm, nhưng chúng ta không thể loại trừ những cú sốc bên ngoài. Giá điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực tăng do giá than nhập khẩu vẫn tăng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến sự phục hồi của Trung Quốc và những tác động ngầm đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu. Trong khi đó ví dụ, triển vọng lạm phát của Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào giá năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, bất kỳ thay đổi nào về chính sách tài khóa trong nước đều cần được quan sát kỹ. Philippines sẽ khởi đầu năm 2023 với việc giảm thuế thu nhập cá nhân, do đó sẽ tạo ra áp lực giá do nhu cầu. Việc cắt giảm thuế có thể trung hòa tác động của một số đợt tăng lãi suất mà Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) đã triển khai, khiến lạm phát cơ bản cao hơn dự kiến. Việt Nam sẽ chứng kiến việc cắt giảm thuế môi trường kéo dài đến năm 2023, trong khi Malaysia sẽ sớm có thông tin rõ ràng hơn sau khi Ngân sách 2023 mới được công bố vào ngày 24/2.
Mặc dù lạm phát cao, trọng tâm chính của các ngân hàng trung ương ASEAN, dù đã thể hiện hay chưa, cũng sẽ chuyển sang hướng tăng trưởng ít hơn. Thật vậy, số liệu GDP quý 4 gần đây ở Singapore và Việt Nam cho thấy những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng ASEAN sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm nhẹ vào năm 2023 (dự kiến), ngoại trừ Thái Lan, quốc gia sẽ được hưởng lợi chính từ cú hích trong du lịch. Điều này sẽ có tác động lớn tới thời điểm các ngân hàng trung ương sẽ ngừng chu kỳ thắt chặt hiện tại.
Là ngân hàng trung ương đầu tiên bắt đầu chu kỳ thắt chặt trong ASEAN, MAS cũng là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo về những rủi ro suy giảm tăng trưởng. Phân tích của chúng tôi xoay quanh một đợt điều chỉnh khả năng vào tháng 4/2023 nhằm ứng phó với áp lực lạm phát ngắn hạn. Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ thay đổi nào đối với khung tỷ giá điều hành SGDNEER (tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu dụng), một công cụ truyền thống để giải quyết lạm phát trong trung hạn, trong bối cảnh MAS ngày càng quan ngại về tăng trưởng.
Indonesia và Malaysia có quỹ đạo lạm phát tương tự nhau, cho đến khi Indonesia cắt giảm các khoản trợ cấp tài khóa hào phóng, dẫn đến giá nhiên liệu tăng khoảng 30% so với tháng 9 năm ngoái. Kể từ đó, BI đã thực hiện ba lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản liên tiếp, trước khi điều chỉnh tốc độ vào tháng 12 với mức tăng 25 điểm cơ bản. Chúng tôi kỳ vọng BI sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong Quý 1/2023 (dự kiến), đưa lãi suất của BI lên 5,75%.
Trong khi đó, nhờ duy trì các gói trợ cấp, lạm phát của Malaysia tương đối thấp, cho phép Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) tăng từng bước lãi suất điều hành (tức là 25 điểm cơ bản) trong năm 2022. Trong khi chúng tôi kỳ vọng BNM sẽ tiếp tục tăng lãi suất với mức độ tương tự trong ba kỳ họp tới, đưa lãi suất điều hành lên 3,50% vào Quý 2/2023 (dự kiến), chúng ta cũng cần lưu ý đến những rủi ro của việc tạm dừng nếu các chỉ số tần suất cao cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm mạnh hơn dự kiến.
Một ngân hàng trung ương nữa đi theo định hướng “điều chỉnh từng bước và có tính toán” là Ngân hàng Thái Lan (Bank of Thailand - BoT). Chúng tôi tin rằng BoT sẽ tiếp tục tăng lãi suất đều đặn (tức là 25 bp) trong bối cảnh rủi ro lạm phát cơ bản tăng sau khi các đoàn khách du lịch lớn trở lại. Chúng tôi kỳ vọng BoT sẽ tạm dừng ở mức 2,50% trong Quý 3/2023.
Áp lực giảm bớt của đồng USD cũng sẽ giúp BSP và NHNN Việt Nam trong cuộc chiến chống lạm phát. Số liệu lạm phát cao của Philippines trong tháng 12 củng cố quan điểm của chúng tôi rằng BSP sẽ tiếp tục chu kỳ điều chỉnh lãi suất, trong đó chúng tôi kỳ vọng BSP sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ sở mỗi kỳ trong ba kỳ họp tới, trước khi tạm dừng ở mức 6,25% trong Quý 2/2023 (dự kiến). Là ngân hàng trung ương cuối cùng trong khu vực đưa ra động thái, NHNN Việt Nam đã có động thái quyết liệt kể từ tháng 9 năm ngoái, triển khai các đợt tăng lãi suất liên tiếp 100 điểm cơ bản mỗi lần. Tương tự như Philippines, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn, báo hiệu việc NHNN tiếp tục tăng lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng NHNN Việt Nam sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả Quý 1/2023 và Quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0% vào giữa năm 2023 (dự kiến).
Có thể bạn quan tâm