Cần xem lại đề xuất thí điểm điện gió ngoài khơi

NGUYỄN VIỆT thực hiện 29/07/2024 03:35

Bộ Công Thương đề xuất giai đoạn đầu giao tập đoàn kinh tế Nhà nước thí điểm làm điện gió ngoài khơi, thay vì tư nhân là không hợp lý.

Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, với DĐDN.

>>Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho điện gió ngoài khơi

- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc giao cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước thí điểm dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu?

Nếu giao cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), như EVN thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, thì tập đoàn này vừa sản xuất, vừa bán điện, như vậy sẽ đi ngược với chủ trương chung, đó là phải sớm giảm bớt sự độc quyền của EVN.

Tôi cho rằng, đề xuất này không hợp lý, vì chúng ta sẽ không huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước và ngoài nước về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, dù họ luôn sẵn sàng tham gia.

Việc không huy động được các công ty nước ngoài liên kết với các công ty trong nước sẽ làm cho tiến bộ khoa học công nghệ, cũng như các quy trình quản lý tiên tiến chậm được nhập khẩu và sẽ thiệt hại cho chính các công ty trong nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

- Lý giải về đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng việc chưa giao tư nhân đầu tư thí điểm dự án điện gió ngoài khơi là do chưa đánh giá được hết các vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu chỉ đưa ra lý do quốc phòng, an ninh, mà không đánh giá hết các khía cạnh khác để không giao cho khu vực tư nhân đầu tư điện gió ngoài khơi thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với các nước khác. Đơn cử, ở Mỹ, việc phát triển vũ trụ còn giao cho tư nhân đầu tư, nhưng tại sao họ vẫn đảm bảo được an ninh?

Do đó, chúng ta cần kiểm soát tốt vùng biển bằng công nghệ hiện đại và lực lượng quân sự chính quy, chứ không thể nói vì công ty tư nhân tham gia làm điện gió ngoài khơi sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Ngay cả trên đất liền cũng có các khu vực chiến lược nhưng tại sao vẫn có các doanh nghiệp tư nhân đầu tư?

- Có ý kiến cho rằng với kinh nghiệm quản lý, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, các DNNN có khả năng đảm nhận, quản lý điện gió ngoài khơi. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Có nhiều DNNN mở rộng sản xuất, nhưng không dựa trên giá trị cốt lõi dẫn đến thất bại lớn, như Vinasin… Do đó, nền kinh tế thị trường không thể phụ thuộc vào một vài DNNN.

Đảng có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể hiện qua Cương lĩnh chính trị (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhiều Nghị quyết Trung ương khác. Nhờ thế, đất nước mới gặt hái được thành tựu như ngày nay.

>>Điện gió ngoài khơi vẫn “ngóng” chính sách

 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 1 trong 3 phương án được Bộ Công Thương đề xuất tham gia thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Thi công chân tháp điện gió ngoài khơi tại cảng của Tổng công ty PTSC).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 1 trong 3 phương án được Bộ Công Thương đề xuất tham gia thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Thi công chân tháp điện gió ngoài khơi tại cảng của Tổng công ty PTSC).

Tại Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 10/TW, xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Đây là những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, nên toàn Đảng và toàn dân phải nỗ lực thực hiện, không thấy khó rồi bàn lùi, đi ngược lại tiến trình đổi mới mà Đảng ta đã vạch ra. Tôi nhấn mạnh lại, đề xuất nói trên của Bộ Công Thương là “tư duy ngược” không đúng với chủ trương, đường lối và quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

- Bộ Công Thương đánh giá việc chọn nhà đầu tư quốc tế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi sẽ thiếu khả thi vì hiện còn có những vướng mắc về khung pháp lý, thưa ông.

Thiếu khung pháp lý thì phải xây dựng thể chế. Chúng ta không thể kéo lùi sự phát triển của đất nước bởi lý do thiếu thể chế, nguồn lực của Nhà nước chỉ có hạn.

Trong khi đó, theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 386 tỷ USD từ nay đến 2040 để chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng không (Net zero) vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại hội nghị COP26.

Vậy nếu không thu hút tư nhân vào ngay từ bây giờ thì làm sao có thể thực hiện được mục tiêu này? Giả sử, DNNN làm thí điểm thì phải 5 năm sau, may ra dự án mới thành công và cũng chừng đó thời gian để đúc kết, ban hành chính sách cho doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài tham gia. Như vậy, chúng ta bị tụt hậu 10 năm so với các nước khác có cùng điều kiện như hiện nay.

- Theo ông, cần có giải pháp nào để phát triển có hiệu quả dự án điện gió ngoài khơi?

Thứ nhất, quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, kế hoạch thực hiện cũng đã được ban hành, bây giờ phải có hướng dẫn cụ thể. Cơ quan Nhà nước thay vì cấm doanh nghiệp tư nhân, thì phải nghiên cứu ban hành ra các mô hình để khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia.

Thứ hai, điều vướng nhất hiện nay của các nhà đầu tư tư nhân là cơ chế giá và hợp đồng mua bán điện. Nếu chưa có phương án tối ưu thì Nhà nước phải đưa ra được khung giá đấu thầu, hoặc học hỏi các nước quản lý lĩnh vực này như thế nào mà lại thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cũng cần xem lại tại sao một số nhà đầu tư lớn về năng lượng tái tạo đã rời khỏi thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ ba, phải xây dựng một chính sách bao trùm, toàn diện, tiến tới xây dựng một luật về phát triển năng lượng tái tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho điện gió ngoài khơi

    15:00, 01/06/2024

  • Điện gió ngoài khơi vẫn “ngóng” chính sách

    04:30, 25/03/2024

  • Cần Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho điện khí và điện gió ngoài khơi

    02:44, 17/12/2023

  • Điện gió ngoài khơi – ngành công nghiệp mới

    01:00, 14/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần xem lại đề xuất thí điểm điện gió ngoài khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO