Tại Lễ công bố bố Nghị định, Quyết định về phát triển thành phố Đà Nẵng ngày 29/3, Phó Thủ tướng Trình Định Dũng yêu cầu thành phố sớm hoàn thiện thủ tục xây dựng cảng Liên Chiểu.
Bến cảng Liên Chiểu hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng cảng biển nhằm tận dụng lợi thế địa lý phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng- an ninh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và giảm tải cho Khu bến cảng Tiên Sa vào năm 2022, cùng với sản lượng hàng hóa dự báo theo quy hoạch tại khu bến Liên Chiểu khoảng 7,5 - 10 triệu tấn đến năm 2030, việc triển khai nghiên cứu đầu tư Dự án phần cơ sở hạ tầng dùng chung để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các bến cảng tại Khu bến cảng Liên Chiểu là thực sự cần thiết.
Việc phát triển cảng Liên Chiểu nhằm chia sẻ lượng hàng hóa thông qua Khu bến Tiên Sa, giải quyết vấn đề về ùn tắc, tăng cường an toàn giao thông cho nội thành thành phố, góp phần nâng cao năng lực thông qua hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của cả khu vực miền Trung. Tại Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 25/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận “việc đầu tư cảng Liên Chiểu để từng bước chia sẻ lượng hàng theo quy hoạch cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách”.
Theo đó, xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - thành phố Đà Nẵng. Giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.
Gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu công-ten-nơ có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus. Bao gồm kè chắn sóng và đê chắn sóng: tuyến kè chắn sóng (dài khoảng 820 m) và đê chắn sóng (dài khoảng 350 m), luồng tàu và khu nước: luồng tàu dài khoảng 7.250m, rộng 160m; cao độ đáy nạo vét -14m, giao thông kết nối với cảng và hạ tầng kỹ thuật khác. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 3.426,3 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay Bộ GTVT đang chủ trì lập Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã thống nhất với đề nghị của thành phố, quy hoạch phát triển Cảng Đà Nẵng đảm nhận cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung (loại đặc biệt). Trong đó, Khu bến cảng Liên Chiểu có thể tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn, tàu container có sức chở đến 18.000 TEU.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố Đà Nẵng khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư đảm bảo các quy định của pháp luật. Thành phố cũng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.
"Thành phố Đà Nẵng khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực, cũng như tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lập Đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả. Các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.
Trước đó, ngày 28/3 đoàn công tác của Bộ Kế hoạch - Đầu tư do ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH - ĐT làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát một số địa điểm thuộc dự án Cảng Liên Chiểu. Theo đó, việc di dời cảng Tiên Sa và đầu tư cảng Liên Chiểu là một chủ trương đúng đắn bởi không thể để cảng hàng hóa nằm trong thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch thành phố bởi cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch, thuận lợi kết nối với cao tốc mà không qua thành phố.
Ngoài ra, cảng Liên Chiểu sẽ là cảng biển của miền Trung - một trong 3 cụm cảng biển nước sâu của cả nước, cửa ngõ ra biển ở quy mô quốc tế. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Trung ương sẽ hỗ trợ có tính chất mồi, dẫn dắt thu hút đầu tư còn lại Đà Nẵng hoàn thành thủ tục để tháng 7 nếu Quốc hội thông qua thì có thể triển khai được ngay.
"Khi triển khai dự án rồi, Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ bố trí vốn hàng năm, đủ vốn để thành phố thực hiện. Bộ Kế hoạch – Đầu tư cam kết đã bố trí năm nay 200 tỷ. Nếu Đà Nẵng làm nhanh và tốt nữa có thể triển khai sớm cả giai đoạn 2 thì Bộ cũng có thể báo cáo để hỗ trợ cho Đà Nẵng làm luôn giai đoạn 2. Ngoài cảng Liên Chiểu, thành phố phải quy hoạch lại toàn bộ quận Liên Chiểu, tận dụng cơ hội mà Trung ương, thành phố tạo ra. Cảng ở đây thì sẽ ra đô thị cảng, nhiều thứ phát triển theo nên cần quy hoạch luôn chổ nào làm khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị…. ", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng công bố giảm giá đất
11:11, 29/03/2021
Đặt mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á
10:44, 29/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)
18:28, 26/03/2021
Du lịch Đà Nẵng tìm cách "thoát xác", hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường
14:09, 22/03/2021
Nhiều dự án lớn vùng Tây Bắc Đà Nẵng sẽ khởi động trong năm 2021
16:08, 17/03/2021