Du lịch Đà Nẵng tìm cách "thoát xác", hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường

Diendandoanhnghiep.vn Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin hướng đi mới về tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao, đa dạng hóa các thị trường quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.

LTS: Trong hành trình khôi phục ngành du lịch, Đà Nẵng đang dần thay đổi những hướng đi mới để ngành mũi nhọn phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Trong những năm vừa qua, ngành du lịch đã khẳng định được vài trò “xương sống” của mình đối với toàn nền nền kinh tế Đà Nẵng. Ở góc độ quản lý du lịch địa phương, ông nhận thấy vai trò đó được thể hiện như thế nào?

Theo kết quả khảo sát điều tra du lịch năm 2019 của Sở Du lịch, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt 13,6%, đóng góp gián tiếp đạt 17,7% (theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, du lịch đóng góp trên 10% GDP mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn).

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Đến năm 2020, qua nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, trước tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, dịch vụ lưu trú và ăn uống (liên quan trực tiếp đến lĩnh vực du lịch) là ngành gây ra sự sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương mạnh nhất trong tất cả 20 ngành kinh tế cấp I. Dịch vụ lưu trú và ăn uống cùng với Công nghiệp chế biến chế tạo và Vận tải kho bãi là 3 ngành quan trọng đã tạo ra sự sụt giảm điểm phần trăm của GRDP, giải thích cho hơn 66% sự suy thoái của nền kinh tế địa phương năm 2020 so với năm 2019.

Số liệu kể trên cho thấy đóng góp không nhỏ của ngành du lịch vào kinh tế thành phố, đồng thời cũng chứng minh du lịch đã từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng được Bộ Chính trị đề ra, góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân, làm thay đổi diện mạo đô thị và tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy những ngành khác như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, thương mại, y tế… cùng phát triển. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực của toàn ngành, du lịch được kỳ vọng sẽ sớm khôi phục và tiếp tục phát triển trong thời gian đến.

2020 là một năm khắc nghiệt đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng. Vậy địa phương đã lên có những phương án gì để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi trong tương lai?

Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tổ chức hoạt động kinh doanh, khôi phục hoạt động phù hợp với tình thực tế, thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Sở Du lịch hiện đang chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó đảm bảo công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn. Triển khai và kiểm tra chặt chẽ việc đăng ký, thực hiện cam kết, các biện pháp phòng, chống tại các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đảm bảo hoạt động du lịch an toàn theo đúng hướng dẫn để thực hiện tốt việc phòng chống dịch để khách du lịch an tâm.

Tổ chức các sự kiện hấp dẫn, quy mô lớn và các chương trình thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng với các gói sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, các chương trình ưu đãi, khuyến mại với giá hấp dẫn và dịch vụ chất lượng cao, theo từng thời điểm cho từng thị trường (các tour, dịch vụ mua sắm, ăn uống, chăm sóc sức khỏe với chủ đề chính là nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch MICE…).

Ngoài ra, nâng cấp mở rộng quy mô các sự kiện văn hóa, thể thao tầm quốc tế và khu vực để kết hợp quảng bá, kích cầu du lịch như Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng (tháng 7/2021), các gói sản phẩm ưu đãi kết hợp chương trình “Đêm Đà Nẵng- Danang By Night” (từ tháng 4/2021).

Du lịch Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng ưu tiên phát triển theo 04 nhóm sản phẩm chủ lực là du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.

Song song với đó, thành phố cũng chuẩn bị sản phẩm du lịch mới như triển khai kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm – Danang By Night. Thí điểm tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An, các tour du lịch vào ban đêm tại một số khu, điểm du lịch, các bảo tàng, tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa…

Ngành du lịch tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch. Đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa, đầu tư hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến. Thu hút nhà đầu tư đóng mới tàu du lịch. Khuyến khích đầu tư tàu lưu trú qua đêm và các loại hình tàu nhà hàng, tàu kết hợp dịch vụ bar, pub…

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Hình thành tour du lịch treckking. Nghiên cứu xây dựng Đề án quản lý và phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, Đề án phát triển du lịch thông minh. Cùng các sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thành một số dự án lớn.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh. Đảm bảo môi trường du lịch, phát triển bền vững, chủ động có kịch bản ứng phó kịp thời với những biến động khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu

Để ngành du lịch thành phố tiếp thục thể hiện vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương sẽ lựa chọn hướng đi như thế nào để ngành du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai?

Trên cơ sở định hướng chung của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, cũng như những tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố, Du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.

Về định hướng không gian, phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Về thị trường, tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao, đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.

Về sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển theo 04 nhóm sản phẩm chủ lực là du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ như du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới. Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ khách vào ban đêm.

Về môi trường du lịch, hướng đến thương hiệu điểm đến Đà Nẵng an toàn – hấp dẫn và mến khách, với mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.

Xin cảm ơn ông !

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Đà Nẵng tìm cách "thoát xác", hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711676942 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711676942 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10