Căng thẳng EU - Trung Quốc bất ngờ leo thang

CẨM ANH 24/03/2021 05:35

Hiện nay, mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang chìm trong cuộc tranh cãi xoay quanh các lệnh trừng phạt.

EU và Trung Quốc vừa tung ra các lệnh trừng phạt nhằm trả đũa

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng căng thẳng do các lệnh trừng phạt

Mới đây, EU thông qua các lệnh trừng phạt Trung Quốc khi nhằm vào 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC). Cụ thể, EU đưa ra cáo buộc những cá nhân và tổ chức trên có liên quan tới vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Lệnh trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại tới châu Âu và đóng băng tài sản tại châu Âu. Đồng thời, các công dân và tổ chức thuộc EU cũng không được giao dịch với các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt.

Ngay lập tức, Bắc Kinh cũng đã công bố các lệnh trừng phạt đáp trả. Theo đó, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với 10 cá nhân của EU cùng Ủy ban An ninh - Chính trị Hội đồng châu Âu, Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức và Quỹ Liên minh Dân chủ Đan Mạch đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Tân Cương.

Các cá nhân có trong danh sách trừng phạt và gia đình họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục cũng như Hong Kong và Macao. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng cấm các cá nhân, tổ chức trên của EU làm việc với Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, cuộc phản công gần như ngay lập tức của Bắc Kinh đã gây ra một cú sốc với EU. Bắc Kinh đang cho thấy họ sẵn sàng hy sinh thỏa thuận thương mại với Brussels bằng cách nhắm trực tiếp vào Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu và các chuyên gia hàng đầu của khối.

Tương tự, đối với các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu, hành động của Trung Quốc là một yếu tố phá vỡ thỏa thuận, đồng thời mở đường cho những căng thẳng mới trong tương lai.

Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết, “các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với EU là tín hiệu mạnh mẽ Bắc Kinh gửi tới Brussels rằng khối này nên tránh can thiệp sâu hơn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Đáng chú ý, chuyên gia này cũng chỉ ra, hành động của Bắc Kinh được đưa ra nhanh chóng ngay trước thềm khi Ngoại trưởng Mỹ Antoy Blinken đến thăm Brussels để gặp gỡ các quan chức EU, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

“Trên thực tế, sức mạnh tài chính và quân sự của khối này yếu hơn nhiều so với Washington. Do đó, không loại trừ khả năng hành động của Bắc Kinh nhắm tới Mỹ, nhất là khi vấn đề Tân Cương đã được nhắc tới trong cuộc gặp của các quan chức cấp cao giữa hai nước tại Mỹ vừa qua”, ông Hongjian phân tích.

EU và Trung Quốc

Chưa rõ trong thời gian tới, EU và Trung Quốc có hành động để cứu vãn tương lai mối quan hệ hay không.

Hiện chưa rõ trong thời gian tới, EU và Trung Quốc có hành động để cứu vãn tương lai mối quan hệ hay không. Định vị chiến lược của EU đối với Trung Quốc cũng đang có những thay đổi phức tạp. Khối đã bắt đầu suy nghĩ lại về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc khi sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Các Nghị sĩ ở châu Âu cho rằng Trung Quốc đã không tiến hành những thay đổi sâu sắc như họ mong đợi. Sau khi hội nhập vào hệ thống toàn cầu, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi trật tự quốc tế hiện có nhưng lại tận dụng tốt và hưởng lợi từ nó.

Về điểm này, EU và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, khối đang mong muốn được tiếp cận với các thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, Nghị viện châu Âu đang chuẩn bị bỏ phiếu về thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc. Các cuộc đàm phán đã kéo dài bảy năm và nếu thỏa thuận này được thông qua sẽ cho phép các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường Trung Quốc

Đồng thời, trong lĩnh vực ngoại giao, EU cũng mong muốn phát triển quan hệ đối tác đa phương với Trung Quốc. Do đó, đối với EU, Trung Quốc đồng thời là đối tác hợp tác, cũng là đối thủ kinh tế.

Ngược lại, lập trường của Bắc Kinh đối với quan hệ Trung Quốc - EU rất rõ ràng. Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ ra rằng Trung Quốc là cơ hội chứ không phải mối đe dọa và là đối tác chiến lược toàn diện chứ không phải đối thủ của Brussels.

Tuy nhiên, với việc Mỹ đang nỗ lực hàn gắn với các đồng minh, trong đó có các quốc gia EU cùng bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, có nhiều khả năng, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ gặp trở ngại để hàn gắn đối thoại trong tương lai gần.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc rời "ngôi vương" nhập khẩu cá tra của Việt Nam

    04:00, 23/03/2021

  • Cuộc cạnh tranh "tám lạng, nửa cân" giữa smartphone 5G của Trung Quốc và iPhone

    03:38, 23/03/2021

  • Trung Quốc "chi bạo" để đối đầu Mỹ trong sản xuất chip

    12:48, 19/03/2021

  • Trung Quốc tham vọng định hình trật tự mới cho thế giới

    11:00, 19/03/2021

  • NATO có kiềm chế được Trung Quốc?

    06:00, 19/03/2021

  • Cuộc "thanh trừng" các ông lớn công nghệ Trung Quốc

    15:13, 18/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Căng thẳng EU - Trung Quốc bất ngờ leo thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO