Việc đánh thức "của để dành" Cần Giờ sẽ được TP HCM thực hiện theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi".
Dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn đang tiếp tục được bàn thảo, bổ sung, điều chỉnh. Trong đó, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ KH&ĐT, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) cung cấp các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển; với quy mô dự kiến là 571 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 113,5 nghìn tỷ đồng và 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm.
Thông tin về dự án đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là tập đoàn MSC - một trong những hãng tàu container hàng đầu thế giới. Tập đoàn đã đề xuất đầu tư vào "siêu" dự án này với mong muốn đẩy nhanh tiến độ để đón đầu xu thế vận tải biển.
Theo đó, dự án này được đề xuất tham gia bởi Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (thành viên Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam - VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển Mediterranean Shipping Company – MSC).
Liên quan đến năng lực của nhà đầu tư nước ngoài đề xuất tham gia dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chia sẻ rằng MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới với trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Với đội tàu có khả năng chuyên chở hơn 23 triệu TEUs mỗi năm, MSC chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu toàn cầu, kết nối tới hơn 500 cảng biển trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, MSC đã thiết lập các tuyến dịch vụ tại các cảng container lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải. Mỗi năm, đội tàu của MSC vận chuyển hơn 1 triệu TEUs hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam, kết nối với các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, và Đông Nam Á. MSC cũng đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới nội Á của mình, đồng thời xây dựng một trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam (VIMC), dự án được đánh giá có tính khả thi cao vì sản lượng hàng hóa đã được xác định. Doanh nghiệp đề nghị TP.HCM chỉ đạo các giải pháp, bảo đảm vấn đề giao đất cho dự án theo đúng tiến độ ở từng giai đoạn. Đồng thời xây dựng, công bố rõ các tiêu chí, điều kiện trong thu hút đầu tư cũng như những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải cam kết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành và đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, đây là dự án nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có hệ thống rừng ngập mặn tái sinh được UNESCO công nhận, do đó việc triển khai dự án cần phải có những đánh giá tác động kỹ lưỡng đến những vấn đề về môi trường, bảo tồn thiên nhiên, môi trường và tài nguyên biển… Đồng thời có những đánh giá cụ thể hơn về quy hoạch, sử dụng đất đai xung quan khu vực dự án; sự phù hợp về quy hoạch của dự án trong tổng thể quy hoạch chung;…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định và cam kết, việc đánh giá chi tiết tác động môi trường của dự án cảng sẽ được thành phố nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định pháp luật về môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Những yêu cầu đối với nhà đầu tư về công nghệ khai thác hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động khai thác cảng không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ được nghiên cứu, xây dựng để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cảng.
Đồng thời, trao đổi thêm về những vấn đề cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, sự biến động về rừng khi triển khai dự án và vấn đề kết nối giao thông của dự án; việc huy động và bố trí vốn thực hiện các hợp phần của dự án;…
Nhấn mạnh thời gian thực hiện dự án là khá dài, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đề nghị trong báo cáo dự án cần làm rõ hơn vấn đề về xu hướng phát triển của công nghệ cũng như những vấn đề về chuyển giao công nghệ đối với các hợp phần của dự án; tránh tình trạng thời gian thực hiện dài, không dự báo tốt xu hướng phát triển của công nghệ dẫn đến đầu tư công nghệ không được tính toán kỹ sẽ sớm bị lạc hậu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, GTVT, UBND TP.HCM, các bộ, ngành liên quan rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; tiếp tục làm rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, "vòng đời dự án" theo đúng quy định pháp luật; bổ sung yêu cầu, định hướng về chuyển giao công nghệ hiện đại…
"Thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư, xác định rõ vị trí các khu chức năng, giải quyết mối quan hệ với các cụm cảng biển khác, hạ tầng dùng chung, hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực,…", Phó Thủ tướng lưu ý và nêu rõ, "không bỏ qua, hy sinh môi trường", bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa, tránh xung đột với các dự án khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, dự án phải góp phần thực hiện mục tiêu phát triển một số cảng biển đủ khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực; tìm được nhà đầu tư có năng lực công nghệ, nhân lực, quản trị,… thu hút được các hãng tàu lớn trên thế giới; có lộ trình chuyển đổi thành cảng biển xanh với hạ tầng đi kèm…
Trước đó, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã vượt qua vòng thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tại cuộc họp ngày 17/6, 100% thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua. Đến cuộc họp thẩm định lần 2 vào ngày 16/8, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua biên bản phiên họp Hội đồng thẩm định "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ".
Sau 2 vòng thẩm định nghiêm túc, Bộ GTVT ngày 20-8 đã có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thẩm định đề án. Đây là bước tiến quan trọng tiếp theo để chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam được thông qua.
Trong báo cáo thẩm định, Bộ GTVT khẳng định Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. UBND TP HCM đã tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của các bộ, địa phương, chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định.
Bộ GTVT thống nhất với mục tiêu của đề án là thúc đẩy khu bến cảng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải có thương hiệu; sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế; hình thành khu phi thuế quan gắn liền với cảng trung chuyển quốc tế... gắn liền với yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn trật tự - an toàn xã hội...
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng từng khẳng định, thành phố không đánh đổi bằng mọi giá để làm dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Việc đánh thức "của để dành" Cần Giờ sẽ được TP HCM thực hiện theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi".
Các chuyên gia lưu ý TP HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng phải đặt trong bối cảnh kết nối với cả khu vực rộng lớn này. Nói như ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: “Cần nhìn nhận Cần Giờ như một thực thể gắn liền với Cái Mép, tạo thành cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ cho vùng Đông Nam Bộ. Do đó, nếu sớm được triển khai sẽ tạo đột phá không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cả vùng Đông Nam Bộ bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ mặc dù về hành chính thuộc hai địa phương quản lý, nhưng về mặt địa lý tự nhiên thì đây là hai bờ của con sông Cái Mép. Cần có sự phối hợp giữa hai địa phương dưới sự điều hòa, hỗ trợ chung của Chính phủ”.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng đây là cơ hội để cụm cảng biển số 4 - bao gồm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP HCM) - trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế. Bởi lẽ, cảng Cần Giờ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải mà ngược lại, cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển bổ sung cho nhau, tạo hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logistics cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.