Doanh nghiệp

Kết nối hệ sinh thái hàng hải Việt Nam với các khu thương mại tự do

Thy Hằng 07/12/2024 00:39

Cần xây dựng hệ thống cảng biển với các tuyến hàng hải quốc tế gắn với các FTZ, trung tâm sản xuất hàng hóa hiện đại, quy mô.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

dji_cmit.jpg
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý hướng biển, thuận lợi cho vận tải quốc tế với bờ biển dài 3.260 km, có nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông thuận lợi.

Thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do (FTZ) trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics. Hiện tại Việt Nam chưa có FTZ. Vừa qua, TP. Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập FTZ là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do được nhận định cần thực hiện sớm để tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Như ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, thì các khu thương mại tự do là trung tâm tạo ra xung lực để phát triển nguồn hàng cho xuất nhập khẩu và chuyển tải.

Đồng thời, thúc đẩy thương mại song phương, đa phương, do đó, rất cần xây dựng hệ thống tích hợp giữa cảng biển, vận tải biển & logistics.

Đặc biệt, cần phát triển các tuyến hàng hải trực tiếp, trong đó, có các tuyến đến các cảng Ấn Độ và các cảng quốc tế khác. “Cần xây dựng hệ thống cảng biển gắn với các FTZ, trung tâm sản xuất hàng hóa hiện đại, quy mô, mớn nước sâu đáp ứng nhu cầu upsize của tàu”, Phó Tổng Giám đốc VIMC khẳng định.

Để hiện thực được các yêu cầu trên, ông Lê Quang Trung cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản trị về thương mại, kỹ thuật và khai thác, giảm chi phí logistics.

Lãnh đạo VIMC cũng đặc biệt nhấn mạnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vai trò là cảng trung chuyển cùng với hệ thống cảng hiện hữu tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giúp giảm chi phí logistics, chi phí vận tải thông qua tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh và xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên trường thế giới.

5104d04bc5777f292666.jpg
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.

Đáng lưu ý, Phó Tổng Giám đốc VIMC cho rằng, để phát triển FTZ tại Việt Nam, cần có những bước đi cụ thể. Thứ nhất, về khuôn khổ pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi phát triển FTZ sớm đi vào thực tế.

“Song song đó, cần có chính sách ưu đãi phát triển đội tàu biển thương hiệu Việt Nam, khai thác các tuyến quốc tế, hoạt động nội địa/Feeder, Nội Á và Long Haul Service”, Phó Tổng Giám đốc VIMC khẳng định.

Thứ hai, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các nước đã phát triển thành công.

Thứ ba, triển khai thí điểm các dự án FTZ tại một số địa phương có tiềm năng để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm trước khi mở rộng trên toàn quốc cũng là một giải pháp quan trọng. “Các khu vực tiềm năng để phát triển thành FTZ tại Việt Nam dự kiến ​​là TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Lê Quang Trung đánh giá.

Cuối cùng, ông Trung cho rằng, cần mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định đối tác kinh tế để tạo điều kiện phát triển FTZ.

Đặc biệt nhấn mạnh tới nỗ lực của VIMC trong phát triển đội tàu biển Việt Nam kết nối quốc tế và mong muốn mở rộng thêm các tuyến hàng hải, hợp tác với các đối tác Ấn Độ để đầu tư vào hệ thống hạ tầng cảng biển và logistics phù hợp, Phó Tổng Giám đốc VIMC kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp hàng hải phát huy lợi thế, xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, kết nối trực tiếp Việt Nam với thị trường có hơn 1,4 tỷ dân.

Chia sẻ về mô hình FTZ Interlink, ông Lê Quang Trung cho biết có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu lãng phí và thời gian, tăng cường minh bạch và an toàn trong các giao dịch hàng hải, đồng thời tạo ra nguồn hàng ổn định cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Chỉ phát triển các FTZ trong nước là chưa đủ. Để phát huy tiềm năng cao nhất, còn cần kết nối giữa các FTZ tại các quốc gia trên thế giới. FTZ Interlink là ý tưởng tạo ra mạng lưới FTZs, thúc đẩy hiệu quả hoạt động cao cho chính các khu FTZ”, Phó Tổng Giám đốc VIMC khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kết nối hệ sinh thái hàng hải Việt Nam với các khu thương mại tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO