Đất Long Thành vẫn tăng giá từng ngày bất chấp thị trường chung lao đao do dịch bệnh. Hiện khu vực trung tâm có giá lên đến 120 triệu đồng/m2.
"Mặc dù chưa biết sân bay Long Thành bao giờ xây xong, thành phố sân bay bao giờ có nhưng hiện nay, sự biến động về giá bất động sản khu vực này vẫn đang nhảy múa" - ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam thông tin.
Theo ông Đính, thời điểm năm 2018, giá đất Long Thành ở mức 8 - 15 triệu đồng/m2, trong khi đó đến cuối năm 2019, giá đất đã tăng lên ngưỡng 15 - 30 triệu đồng/2.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, dù dịch bệnh tác động lớn đến thị trường bất động sản, thế nhưng giá đất khu vực này vẫn tăng mạnh khoảng 20%, thậm có khu vực trung tâm Long Thành có sự tăng vọt như trung tâm chợ mới có giá 60 - 80 triệu đồng/m2, khu đường D3 có giá cao nhất lên tới 120 triệu đồng/m2.
Đồng quan điểm, theo ông Vũ Quốc Việt Nam - Giám đốc cao cấp Tập Đoàn Đất Xanh, khảo sát thực tế giá đất Long Thành cách đây 1 tháng, giá đất dọc tuyến đường Lê Duẩn - trục trung tâm thị xã Long Thành lên tới 70 - 120 triệu đồng/m2. Trong khi ở xung quanh đây chỉ đơn thuần là vùng nông nghiệp, tuy nhiên Long Thành là vùng nông nghiệp về cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su.
Theo ông Đính, ngoài kết quả từ quy hoạch xây dựng thành phố sân bay, đây cũng là hệ quả đến từ việc khan hiếm nguồn hàng ở TP HCM, giá bất động sản TP HCM cũng đang có sự tăng ảo, qua đó chuyển hướng các nhà đầu tư chuyển hướng đến vùng lân cận.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản gồm nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh.
Ông Chiến cho rằng, mong muốn Long Thành trở thành thành phố sân bay cần tính dài hơi vì đất đai ở đây vẫn còn hoang sơ, các khu đô thị lớn vẫn còn chưa phát triển. Cần phải bắt tay ngay vào phát triển hạ tầng giao thông, rồi đến điện, nước và hình thành nhà ở, hạt nhân của các đô thị.
Về mặt quản lý hành chính phải có định hướng nền móng phát triển từ thị xã lên đô thị, có quy hoạch đô thị Long Thành và sau đó là quy hoạch cụ thể về sân bay Long Thành. Đặc biệt đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông kết nối, quan trọng nhất là Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra, có cả các kết nối của hàng không, cảng cụm nước sâu, đường sắt…
Trong quá trình phát triển bất động sản sân bay, tình trạng "tăng nóng" như hiện nay nếu chính quyền tỉnh Đồng Nai không có chính sách mạnh để ổn định thị trường thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù khi phát triển dự án.
Ông Chiến cảnh báo việc mua bán đất tràn lan xung quanh khu vực sân bay có thể gặp phải trường hợp quy hoạch không phù hợp mục tiêu đầu tư, dễ bị thu hồi. Do vậy, các nhà đầu tư cần tham khảo thông tin quy hoạch đầy đủ và chỉ nên đầu tư và các dự án đô thị đã được phê duyệt đúng quy định. Đồng thời xem xét mức độ hợp lý về giá khi quyết định mua chung cư tại các khu vực này.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Nhơn Trạch, giá đất tăng cao nhất là những khu vực gần phà Cát Lái như: Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông. Huyện Long Thành, những xã ven Cảng hàng không quốc tế, những khu vực dự kiến có đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành đi qua... đất được mua đi bán lại khá nhiều và được đẩy tăng thêm 20-40% so với dịp cuối năm trước. Đặc biệt, hàng loạt thông tin đồn đoán giới “cò” đất vẽ ra như gộp Long Thành về TP HCM, sẽ xây dựng khu văn phòng tòa nhà Quốc Hội phía Nam quy mô 42ha, KCN Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành để quảng cáo cho khách hàng… đẩy giá đất tăng ảo. Thực trạng này đang đặt ra lo ngại bong bóng “nổ” và nhà đầu tư nhỏ lẻ, tay ngang sẽ... hứng hậu quả. |
Có thể bạn quan tâm