Theo các chuyên gia, với các lợi ích từ EVFTA, CPTPP và FTAs khác, Việt Nam nhận được quá nhiều “liều thuốc bổ”, nhưng nếu cơ thể không thể hấp thụ, lúc đó sẽ lợi bất cập hại.
Ông Phi Ngọc Trịnh, Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm cho biết, kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ra thế giới đạt 36 tỷ USD, trong đó, EU chiếm chưa đến 12%. Do vậy, EU là thị trường tiềm năng rất lớn với dệt may Việt Nam, nhất là khi EVFTA có hiệu lực, phần lớn thuế suất về 0%.
Về thách thức của ngành này, ông Trịnh phân tích: Nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA có vẻ “thoáng” hơn CPTPP, nhưng không hẳn. Bởi, các DN dệt may chưa được hưởng lợi ngay, vì đa phần vải và các phụ liệu khác Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN-là nước chưa ký hiệp định với EU.
Do vậy, Việt Nam vẫn phải chờ đợi ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may phát triển.
Cùng đó, ông Trịnh cũng lo ngại, khi thuế suất về 0% (thay vì bình quân 9,6% như hiện nay), Việt Nam có nguy cơ thành điểm trung chuyển hàng hóa của nhiều nước. “Họ sẽ tận dụng cơ hội, đưa hàng sang Việt Nam để lấy xuất xứ, từ đó xuất khẩu đi EU.
Như vậy giá trị gia tăng chúng ta sẽ không được hưởng lợi như đúng tinh thần của hiệp định mang lại”, ông Trịnh phân tích.
“Lấy ví dụ như Myanmar, Campuchia…dù chưa ký hiệp định với EU, nhưng gạo của họ xuất sang EU vẫn được hưởng thuế 0%, còn Việt Nam phải chờ hiệp định có hiệu lực mới được hưởng 0%”, ông Trịnh lưu ý các DN đồng thời cho rằng ngành hàng cần nghiên cứu kỹ hiệp định, chuẩn bị nội lực tốt để khi bung ra không gặp phải thất bại.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU đạt khoảng 700-800 triệu USD mỗi năm (cần khoảng 2-3 triệu m3 nguyên liệu) chiếm dưới 10% tổng kim ngạch của toàn ngành.
Theo ông Quyền, ngành gỗ Việt Nam có hai cái yếu là thiết kế và thương hiệu. “Khi chưa có thiết kế, sẽ không làm được thương hiệu. Chưa kể, DN muốn có thương hiệu phải có đại lý bán ở nước ngoài, nhưng ta chưa làm được”, ông Quyền nói.
Liên quan đến lo ngại Việt Nam sẽ thành nơi trung chuyển, các DN gỗ Trung Quốc đầu tư vào để lấy xuất xứ xuất đi EU, Mỹ…, ông Quyền cho biết, hiện Việt Nam có 820 DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong ngành gỗ, trong đó số DN của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, chiếm trên 60%.
“Các DN FDI có quyền nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất và không thể kiện họ là gian lận thương mại hay trung chuyển”, ông Quyền phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, Hiệp hội cũng đã đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước, nếu DN FDI muốn đầu tư vào ngành gỗ, dứt khoát phải là công nghệ cao, có liên kết với DN Việt Nam và không đứng như ốc đảo, mà phải lan tỏa, hướng dẫn DN kết hợp với DN Việt cùng làm, mới được chấp nhận.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, đầu năm 2019, CPTPP đã có hiệu lực, và kỳ vọng đầu năm 2020 sẽ có thêm EVFTA, chưa kể Hiệp định RCEP dự kiến cũng được thông qua thời gian sau đó…
Theo ông Khanh, các hiệp định đời mới như CPTPP, EVFTA với Việt Nam giống như nhiều “thang thuốc bổ” đến cùng một lúc. “Nếu cơ thể khỏe thì hấp thụ tốt, nhưng nếu cơ thể không đảm bảo, mà hấp thu nhiều thuốc bổ sẽ lợi bất cập hại”, ông Khanh nói.
Dẫn bài học ngay từ năm đầu gia nhập WTO (năm 2007), ông Khanh cho biết, thời điểm đó Việt Nam đã thu hút tới 70 tỷ USD vốn FDI, cùng 10 tỷ USD “vốn nóng” thành tổng cộng 80 tỷ USD- là mức thu hút lớn nhất thế giới lúc đó. Tuy nhiên, nền kinh tế lúc đó không thể hấp thu hết được, chưa kể thời điểm đó kinh tế khu vực, thế giới gặp khủng hoảng…
Ông Khanh lưu ý, dù các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…chưa ký được hiệp định với đối tác lớn như EU nhưng không có nghĩa là họ “ngồi yên” cho chúng ta hưởng lợi từ EU.
Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra, với các hiệp định đã ký, như CPTPP, đến nay chủ yếu DN FDI tận dụng được, còn DN do người Việt sở hữu hưởng lợi rất ít.
“Tại sao lại thế? Sự chủ động của DN FDI rất rõ nên họ tận dụng tốt hơn, còn DN Việt đã chủ động chưa? Ngay với hiệp định EVFTA, chúng tôi cũng chỉ nhận được hai câu hỏi và đến từ DN FDI liên quan đến mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ”, ông Khanh nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví von: “Nếu xem đó là bông hoa đẹp nhưng chúng ta biết, bông hồng đẹp bao giờ cũng có nhiều gai. Còn nếu đó là con đường thì con đường đó không chỉ có hoa thơm, cỏ ngọt, mà có nhiều mồ hôi, nước mắt và nhiều chông gai”.
Theo ông Lộc, trong ASEAN, độ mở kinh tế Việt Nam chỉ sau Singapore và là nước đang phát triển ký nhiều hiệp định thương mại nhất, nhưng năng lực hội nhập lại hạn chế.
Ở Đông Nam Á, chỉ số năng lực năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp thứ 7, chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar, còn chỉ số năng lực quản trị của DN trên sàn chứng khoán chỉ xếp thứ 6.
Chủ tịch VCCI cho biết, ngay tại Diễn đàn Kinh tế thế giới hồi cuối năm 2018, về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam chỉ xếp 77/140 nước- là mức trung bình của thế giới. Về thể chế Việt Nam chỉ xếp 94/140, còn hoạt động kinh doanh của DN chỉ 101/140.
Ông Lộc đề nghị Chính phủ cần sớm nội luật hóa các quy định của EVFTA để “yểm trợ” cho các DN, đặc biệt là vấn đề các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…“Các DN trên cơ sở định hướng thị trường, cần tìm ngay bạn hàng chiến lược.
DN cần tái cấu trúc năng lực sản xuất, công nghệ, quản trị để đáp ứng được yêu cầu mới đồng thời xây dựng được hệ thống phòng ngừa rủi ro”, ông Lộc nói.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương), với EVFTA, nếu không có kế hoạch hành động cụ thể "thì lời hay ý đẹp về EVFTA cũng chỉ trên giấy và lời nói mà thôi". |