Chiếc bánh ngành thép sẽ không chia đều cho tất cả, doanh nghiệp yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ.
Báo cáo ngành mới nhất của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào quốc gia. Tuy nhiên, chiếc bánh ngành thép sẽ không chia đều cho tất cả, doanh nghiệp yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ.
Theo MBS, hàng loạt các doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất, đáng chú ý nhất là HPG tăng gấp đôi quy mô sản xuất trong 2019-2020.
Về công suất, ước tính tổng công suất cho thép dài sẽ tăng khoảng 20 - 25% trong năm 2019, chủ yếu từ HPG và POM. Đối với thép dẹt, ước tính tổng công suất sẽ tăng 25-30% trong năm 2019, từ HSG và NKG.
Nhiều doanh nghiêp như HSG và NKG đang đầu tư khá nhiều, với tỷ lệ Nợ / vốn chủ sở hữu của hai công ty này cao hơn 3 - 4 lần, do đó chịu áp lực rất lớn về dòng tiền. Sự cạnh tranh về giá sẽ diễn ra trong những năm tới, đặc biệt là đối với các phân khúc thép dẹt và tôn mạ.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 10% đối với thép dài và thép dẹt thành phẩm trong các năm tới. Đối với thép dài, hầu hết tiêu thụ là trong nước, trong khi đối với thép dẹt khoảng 1/3 - 1/2 tổng sản lượng được xuất khẩu.
Về lĩnh vực sử dụng, nguồn tiêu thụ thép chính tại Việt Nam là các công trình thương mại và dân dụng, đang có dấu hiệu chậm lại trong vài năm tới. Mặt khác, các công trình công nghiệp có thể tăng lên nhờ vốn FDI tăng và chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng.
Đối với thép dài, dự báo tiêu thụ ở mức ~ 12 triệu tấn trong năm 2019, tiêu thụ / tổng công suất ngành ở mức khoảng 68%. Cạnh tranh ở mảng này sẽ gia tăng ở mức vừa.
Đối với sản phẩm tôn mạ, tiêu thụ sẽ ở mức 4,5 – 5 triệu tấn, trong khi tổng công suất ngành ở mức 7,5 – 8 triệu tấn vào năm 2019. Việc tăng công suất của riêng 5 nhà sản xuất lớn nhất đã ở mức ~ 2,2 triệu tấn, tương đương khoảng 1/2 tổng lượng tiêu thụ và xuất khẩu trong năm 2017. Do vậy sẽ có cạnh tranh gay gắt trong mảng sản phẩm này.
Với HRC, tổng công suất của HPG và Formorsa khi đạt tối đa công suất sẽ ở mức 7 - 9 triệu tấn tới năm 2020, cũng tương đương với khối lượng nhập khẩu HRC hiện tại. Vì vậy với sản phẩm này, tiêu thụ trong nước sẽ ở mức tích cực và cạnh tranh không nhiều.
Chi tiêu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam luôn tăng trưởng ở hai con số kể từ năm 2012. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn bắt đầu, ví dụ như tuyến Metro TP HCM, sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, nhiều đường cao tốc và cầu quanh TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ...
Bên cạnh đó, thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu sẽ hết hạn vào 2020 - 2021, tuy nhiên, với xu hướng bảo hộ đang gia tang trên thế giới và tầm quan trọng của ngành thép đối với Việt Nam, thuế tự vệ sẽ tiếp tục được áp dụng. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu cũng là sức ép đối với các doanh nghiêp xuất khẩu nhiều như HSG hay NKG.
Mặc dù cạnh tranh trong ngành gia tăng có phần gay gắt, với năng lực từ phía cung gia tăng và áp lực từ thép thế giới, MBS vẫn đánh giá ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào Quốc gia.
Ngành thép Việt Nam có sự ổn định cao hơn thế giới do có tốc độ tăng trưởng và mức độ tập trung cao, các doanh nghiệp lớn vẫn chiếm đa số thị phần, do vậy giá thép trong nước khá ổn định.
“Mức cạnh tranh gia tăng trong những năm tới sẽ là bài kiểm tra với các doanh nghiêp về sức mạnh tranh giành thị phần và khả năng duy trì lợi nhuận và dòng tiền. Những doanh nghiêp yếu kém sẽ có nguy cơ bị gạt bỏ và doanh nghiêp mạnh sẽ có cơ hội giành lấy thị phần” – nhóm phân tích MBS nhận định.