Cáo buộc tránh thuế bán phá giá của Minh Phú và “căng thẳng” ngành tôm

Diendandoanhnghiep.vn Thiếu nguyên liệu trong nước đẩy các doanh nghiệp chế biến xuất tôm bắt buộc chấp nhận thua lỗ, thậm chí đối măt rủi ro mua tôm nguyên liệu từ bên ngoài.

Những ngày gần đây, nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam - Tập đoàn Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế bán phá giá tại Mỹ, mặc dù phía Tập đoàn này cho biết chưa nhận được bất cứ thông tin hay yêu cầu nào từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ hay cơ quan liên quan nào của Chính phủ Mỹ. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của tập đoàn vẫn tiến hành thông quan bình thường. 

Tập đoàn Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế bán phá giá tại Mỹ

Tập đoàn Minh Phú bị cáo buộc nhập khẩu tôm Ấn Độ rồi chế biến mức tối thiểu để xuất khẩu, tránh thuế bán phá giá tại Mỹ.

Thiếu hụt nguyên liệu

Tuy nhiên, phía Tập đoàn Minh Phú cũng không phủ nhận việc có nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với tỷ trọng chiếm khoảng 10% trong tổng lượng nguyên liệu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. 

Như vậy, câu chuyện dù chưa ngã ngũ tuy nhiên lại một lần nữa khơi lên vấn đề thiếu hụt tôm nguyên liệu ngày càng “căng thẳng” của ngành. Thực tế có thể thấy, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đã khiến nhiều nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động từ 40 - 50% công suất. Giá tôm nguyên liệu cũng đã tăng thêm 13.000 - 15.000 đồng/kg vì cầu cao mà cung không đáp ứng được.

Nhìn lại, năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam, nhiều nông dân lao đao bởi không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà giá tôm trong nước sụt xuống còn 50.000-70.000 đồng một kg trong khi trước đó có thời điểm trên 130.000 đồng một kg. 

Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất, có thời điểm lên đến 17-20% một năm. Những năm tiếp theo liên tục xảy ra các dịch bệnh, nông dân phải chuyển sang nuôi tôm thẻ thay vì tôm sú nhưng mất gần 7-8 năm để nắm quy trình và nuôi thành công.

Giai đoạn 2010-2015 Việt Nam cũng đã trải qua cơn khủng hoảng ngành tôm khi dịch bệnh EMS xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại lớn, sản lượng nuôi tôm giảm khiến nguồn nguyên liệu giảm mạnh. Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiếp nối thách thức với người nuôi tôm. Và ngành tôm chỉ mới phục hồi trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh đó một số cơ sở chế biến Việt Nam đã “chữa cháy” bằng cách tận dụng nguồn tôm nhập khẩu. Tôm Ấn Độ được cho là lựa chọn phù hợp vì vấn đề giá cả và khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu số lượng lớn.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có biện pháp căn cơ hơn để đảm bảo cho các doanh nghiệp chế biến hoạt động, đồng thời nâng sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt.

Liên kết chuỗi tạo nguồn cung

Như bản thân “vua tôm” Minh Phú, Tập đoàn sở hữu những vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất Việt Nam tại Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận (trại giống) với diện tích lên tới gần 1.400 ha và 50.000 héc ta vùng nuôi liên kết với nông dân thì rủi ro nguyên liệu vẫn là một trong những vấn đề lớn của doanh nghiệp tôm.

“Đặc thù của ngành xuất khẩu thủy sản là đến từ chi phí giá vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, mà chi phí nguồn nguyên liệu là yếu tố chiếm chủ yếu. Vì thế, những biến động trong nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Đại diện Minh Phú cho biết.

Không chỉ thiếu số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu cũng được đánh giá là chưa đáp ứng tốt đã gây không ít khó khăn cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Do đó, yêu cầu đặt ra phải tự chủ nguyên liệu. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có diện tích vùng nuôi đủ để đáp ứng. Thực tế sau giai đoạn khủng hoảng ngành thủy sản, nhiều nông dân nuôi tôm bỏ nghề vì thua lỗ. Diện tích nuôi tôm cũng thu hẹp dần, trong khi khai thác quỹ đất mở rộng vùng nuôi là điều không dễ dàng.

Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều nói rằng quỹ đất cho nuôi trồng thực sự rất khan hiếm, một phần do các chính sách quy hoạch đất đai chặt chẽ. Để tự chủ nguyên liệu, bên cạnh vùng nuôi, việc liên kết với các hộ nông dân là một trong những biện pháp nhưng cũng rủi ro là chất lượng nguồn nguyên liệu không đồng nhất.

Có thể nhìn thấy bài học liên kết này tại Ecuador - Nước cạnh tranh mặt hàng tôm thẻ quyết liệt với Việt Nam. Tại đây, người dân muốn nuôi tôm phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50ha. Như vậy người nuôi tôm buộc phải liên kết lại với nhau. 

Do đó, mô hình chuỗi tôm với sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong ngành là cần thiết. Ở đó, khách hàng tạo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp mua hàng từ nguồn cung đảm bảo bền vững môi trường, nhà sản xuất cải thiện quy trình và Chính phủ hoàn thiện quy định. 

Yêu cầu này càng trở lên đặc biệt trong bối cảnh, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ. Như vậy, không chỉ đối mặt với nguy cơ chịu thuế chống bán phá giá cao, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ còn phải đối mặt với những chính sách nghiêm ngặt của Mỹ nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Xuất khẩu tôm từ Ấn Độ cũng được xem là sẽ gia tăng tại thị trường này. Do đó, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong ổn định số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm. Khuyến cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, muốn tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, người nuôi tôm cần hướng tới nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thị trường yêu cầu như ASC, BAP… để dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp, có giá tiêu thụ tốt.

Liệu có ảnh hưởng tới POR 13?

Theo Chủ tịch Fimex Hồ Quốc Lực đánh giá, chưa thể lường trước những diễn biến tiếp theo của vụ việc, song diễn biến này nhiều khả năng không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của việc rà soát thuế chống bán phá giá POR13 tại Mỹ.

"Bởi doanh nghiệp tôm bị đồn đoán trên không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Hoa Kỳ. Hai sự kiện này không là một", ông Lực thông tin.

Trước đó, kết quả sơ bộ POR13 đã được công bố vào tháng 4/2019 với 30 doanh nghiệp được miễn thuế. Tuy nhiên kết quả chính thức phải tới tháng 9/2019.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cáo buộc tránh thuế bán phá giá của Minh Phú và “căng thẳng” ngành tôm tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714082988 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714082988 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10