Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần tính cách mạng trong cải cách

Hà Trang thực hiện 03/11/2018 11:02

Nếu mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh trở thành hiện thực, nếu quá trình cắt giảm là cải cách thực sự thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thực sự bùng nổ.

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi trao đổi với PV Báo Diễn đàn doanh nghiệp.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung xung quanh câu chuyện này.

- Ông có đánh giá như thế nào về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại?

Về mặt thực tế, vì Chính phủ chưa thông qua và ký ban hành Nghị định mới về cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nên chúng ta chưa thể đánh giá được chất lượng thực chất của quá trình cắt giảm ĐKKD. Vì vậy, hiện tại chưa có được bức tranh tổng thể về sự thay đổi.

Tuy nhiên, tại các Nghị định về cắt giảm ĐKKD hiện nay, có thể thấy những ĐKKD được cắt bỏ hoàn toàn thì ngay lập tức doanh nghiệp và chuyên gia đã cảm nhận được tác động bởi nó được thực hiện ngay, còn những gì mà sửa đổi, bổ sung thậm chí đơn giản hoá thì gần như nằm trên giấy. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các ĐKKD sẽ là một quá trình triển khai dài và có thể mất nhiều thời gian hơn nữa mới tác động đến doanh nghiệp.
Về phía CIEM, chúng tôi luôn đặt mục tiêu là bãi bỏ còn sửa đổi sau này tính. Nhưng đáng tiếc, mục tiêu sau này “mềm” lại. Trước đây, mục tiêu kiến nghị là bãi bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng sau này mục tiêu được mềm lại là “cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá” ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh. Như vậy người ta có thể bãi bỏ 5% ĐKKD và đơn giản hoá 45% ĐKKD vẫn được, đơn giản hoá nhiều khi bỏ một câu, một từ nhiều khi cũng gọi là đơn giản hoá. Tính cách mạng của cải cách là thiếu, và tính thực tiễn của cải cách cũng “yếu”hơn.

- Như vậy, về cơ bản đó mới là những thay đổi “trên giấy tờ”, thưa ông?

Đúng vậy, đây mới là những thay đổi trên mặt giấy tờ bởi việc đánh giá xem quá trình này có phải là cải cách thực sự hay chỉ là cải thiện lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo đó, muốn đánh giá được thực chất quá trình cắt giảm ĐKKD phải trải qua 2 công đoạn.

Thứ nhất, là quá trình rà soát các Nghị định mới xem các Nghị định này có cắt giảm thực sự hay chỉ là cải thiện. Qua đó, đánh giá được tỷ lệ % cắt giảm và đơn giản hóa.

Cải cách phải toàn diện triệt để và dứt khoát, phải làm mạnh để phá thành trì trì trệ, phá thứ bảo thủ, phá thứ kìm hãm để bừng nở thu hút nguồn lực, bừng nở tinh thần khởi nghiệp. 

Thứ hai, sau khi quá trình cắt giảm và đơn giản hóa thành công, chúng ta phải giám sát được kết quả thực hiện quá trình này. Đây thật sự là một hành trình khó khăn và gian khổ.

Tôi cho rằng chính thực tế kinh doanh, cảm nhận trực tiếp của doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng cho thành công của quá trình cải cách này.

- Đáng nói, Chính phủ đã quyết định dùng chuẩn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để loại bỏ các ĐKKD. Cụ thể, thời gian qua, việc áp dụng này như thế nào, thưa ông?

Đó là những nguyên tắc chỉ dẫn nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, OECD thống nhất các nguyên tắc như: Cam kết chính trị ở cấp cao nhất về cải cách với những mục tiêu và lộ trình thực hiện rõ ràng; thiết kế các chính sách thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả cho tất cả lĩnh vực kinh tế và xóa bỏ các chính sách này, trừ phi có minh chứng rõ ràng đây là các chính sách phục vụ tốt nhất cho lợi ích chung; xóa bỏ các hàng rào quy định không cần thiết đối với thương mại và đầu tư…

Dựa trên những nguyên tắc đó, chúng ta tiến hành rà soát những quy định ĐKKD tại Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy phần lớn các ĐKKD của Việt Nam trái với quy tắc này. Trên cơ sở của rà soát đó, các nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra yêu cầu buộc các phải cắt giảm 50% ĐKKD và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện hành.

- Mục tiêu của chúng ta đặt ra đó là phấn đấu môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN4. Theo ông, đến nay chúng ta đã đạt được gì?

Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì vẫn còn khoảng cách. Những thay đổi đã làm được mới chỉ là những vụ việc cụ thể, chỉ mới là tháo gỡ khó khăn của một vài nhóm doanh nghiệp chứ chưa phải tất cả.
Muốn thay đổi không chỉ là xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, bỏ rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Chỉ khi nào làm được như thế mới thay đổi được. Bởi nếu thay đổi nhỏ giọt cả hệ thống cũng vẫn đi theo cách cũ.

Vậy cải cách phải toàn diện triệt để và dứt khoát hơn, phải làm mạnh để phá thành trì trì trệ, phá thứ bảo thủ, phá thứ kìm hãm để bừng nở thu hút nguồn lực, bừng nở tinh thần khởi nghiệp…

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần tính cách mạng trong cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO