Câu chuyện khởi nghiệp thành công từ 44 triệu đồng của Văn Trắng

Theo baophapluat 09/04/2019 07:35

Với 44 triệu đồng cha mẹ cho để mua xe máy, anh Trắng ở huyện Đông Hải, Bạc Liêu đã mạnh dạn khởi nghiệp với ý tưởng đầu tư cơ sở sơ chế ghẹ thịt thành phẩm xuất khẩu.

Đó là câu chuyện của anh Quách Văn Trắng (28 tuổi, ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quách Đạt. Với 44 triệu đồng cha mẹ cho để mua xe máy, anh Trắng đã mạnh dạn đầu tư thành lập cơ sở sơ chế ghẹ thịt thành phẩm xuất khẩu.

Anh Quách Văn Trắng (áo xanh) tại cơ sở sơ chế ghẹ của mình.

Anh Quách Văn Trắng (áo xanh) tại cơ sở sơ chế ghẹ của mình.

Sau 8 năm khởi nghiệp, hiện doanh nghiệp của anh Trắng có nguồn thu nhập hàng tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho gần 100 lao động ở địa phương.

Dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo và trẻ hơn so với tuổi, ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Quách Văn Trắng là trông anh giống một sinh viên hơn là một giám đốc doanh nghiệp “có tiếng” chốn miệt vườn. Sau hơn 02 năm tham gia và hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự, năm 2011 thanh niên Quách Văn Trắng trở về quê hương để thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình. Ban đầu, Trắng đi nhiều nơi để mong tìm ra mô hình làm ăn phù hợp với bản thân mình và được giới thiệu nghề sơ chế hải sản. Chọn được mô hình, Trắng ấp ủ ước mơ khởi nghiệp của mình nhưng còn loay hoay vì không có nguồn vốn.

Đúng thời điểm này anh được cha, mẹ cho 44 triệu đồng để mua xe gắn máy làm phương tiện đi lại kiếm việc làm; có tiền trong tay, Trắng không mua xe mà quyết định dùng số tiền này để thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Ban đầu việc làm của Trắng không nhận được sự đồng thuận của gia đình. Thế nhưng, bằng chữ tín và tinh thần chịu thương, chịu khó nên Trắng nhận được sự tín nhiệm của các đối tác; mặc dù nguồn vốn khởi nghiệp thấp nhưng Trắng lại được các đầu mối cung cấp nguyên liệu cho thiếu trước và thu lại sau khi bàn giao sản phẩm.

Với cách làm đó, Trắng dần dần tích lũy đồng vốn và đầu tư mở rộng khu nhà xưởng theo đúng chuẩn qui định và phát triển thành doanh nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động tại địa phương.

Doanh nghiệp của anh Trắng đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương.

Doanh nghiệp của anh Trắng đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương.

Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp, Quách Văn Trắng chia sẻ: “Từ khi xuất ngũ trở về thì tôi đi một số nơi trong xã mục đích tìm hiểu, nghiên cứu thị trường lao động để có hướng làm ăn. Thấy có nhiều người không có công ăn việc làm và thời gian rảnh rỗi rất là nhiều nên tôi nảy sinh ý tưởng sẽ tận dụng nguồn lao động tại địa phương để phát triển doanh nghiệp của mình. Cơ sở sản xuất, chế biến thịt ghẹ của tôi ra đời đã qua thời gian, công việc sản xuất ngày càng đi vào ổn định, giúp doanh nghiệp ăn nên làm ra”.

Do xuất phát điểm từ nguồn vốn thấp nên Trắng rất khó cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn khác, nhiều lúc tưởng chừng không trụ nổi trước sức ép thị trường. Với bản lĩnh của người lính, Trắng vẫn kiên trì, không bỏ cuộc, có lúc Trắng sẵn sàng nhận lại nguồn hàng để làm công cho những doanh nghiệp lớn nhằm duy trì doanh nghiệp của mình và chờ đợi cơ hội để vực dậy.

Cái hay ở Trắng chính là khả năng dự báo tình huống trong kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp khác ra sức cạnh tranh thu mua nguồn ghẹ trong nước thì Trắng lại liên kết với những người quen nhập hàng từ Thái Lan và Ấn Độ về để chế biến.

Hiện nay, mặc dù nguồn ghẹ trên thị trường Việt Nam khan hiếm nhưng doanh nghiệp của Trắng vẫn có hàng để làm thường xuyên. Nhờ có nguồn hàng thường xuyên nên Trắng giữ chân được người lao động và họ luôn gắn bó với doanh nghiệp của Trắng.

Anh Trắng hướng dẫn công nhân sơ chế ghẹ thịt thành phẩm.

Anh Trắng hướng dẫn công nhân sơ chế ghẹ thịt thành phẩm.

Với tinh thần cần mẫn làm ăn và đặt chữ tín lên hàng đầu nên nguồn hàng của Trắng luôn được các đơn vị xuất khẩu ưu tiên lựa chọn. Trước tình hình không ít doanh nghiệp đã thua lỗ, phá sản của những doanh nghiệp khác do hàng hóa kém chất lượng thì cơ sở của Trắng vẫn trụ vững trên thị trường bởi các sản phẩm lúc nào cũng được thực hiện quy trình an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Nếu như trước đây, các công ty thu mua đến kiểm tra mẫu sản phẩm 04 lần/năm thì hiện nay họ chỉ kiểm tra 2 lần, thậm chí một số công ty thu mua không cần kiểm tra vì đã đặt niềm tin trọn vẹn vào Công ty Quách Đạt của Trắng.

Hiện nay, đa phần công nhân làm việc tại doanh nghiệp của Trắng đều làm công nhật, bình quân thu nhập mỗi ngày khoảng 200 ngàn đồng, những ngày nguồn hàng nhiều thì họ kiếm được trên 300 ngàn đồng.

Chính từ nguồn thu này đã giải quyết cơ bản công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi, giúp họ tận dụng được khoảng thời gian trống để kiếm tiền. Mặc dù doanh nghiệp đóng chân ở địa phận huyện Hòa Bình nhưng hầu hết công nhân của Trắng đều là người ở huyện Đông Hải, bởi theo Trắng thì đó là nhiệm vụ đảng viên cần phải làm trong việc đỡ đầu hộ nghèo.

Anh Nguyễn Tài Nghía – Bí thư Đoàn thanh niên xã Long Điền Đông cho biết: “Anh Quách Văn Trắng là một đoàn viên tiêu biểu của phong trào khởi nghiệp của thanh niên xã Long Điền Đông. Bằng ý chí và nghị lực của một người từng trải qua môi trường quân đội, cộng thêm vào đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm và biết làm củatuổi trẻ thì đồng chí Trắng đã vượt qua những khó khăn ban đầu và hiện đang gặt hái những thành công.

Những năm qua doanh nghiệp của đồng chí Trắng đã tạo được công ăn việc làm cho bà con nhân dân các ấp: Cái Cùng, Vĩnh Điền và Minh Điền, qua đó đã góp phần chung vào công tác giảm nghèo của xã”.

Từ câu chuyện khởi nghiệp của Quách Văn Trắng cho thấy: Việc khởi nghiệp sẽ chỉ là giấc mơ nếu như chúng ta không có đủ quyết tâm, chịu khó và biết cách làm. Tấm gương khởi nghiệp của thanh niên Quách Văn Trắng rất đáng được trân trọng và nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện khởi nghiệp thành công từ 44 triệu đồng của Văn Trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO