Tập đoàn xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, với doanh thu đạt hơn 26.700 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lãi gộp giảm 25% từ 3.678 tỷ xuống còn 2.752 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý không giảm mà còn tăng nhẹ so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 51%, xuống 791 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 43% xuống 677 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Petrolimex giảm 29% từ 91.700 tỷ xuống 65.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm sâu từ 3.200 tỷ xuống -911 tỷ; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt -1.216 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này cũng khả quan hơn nhiều so với mức lỗ ròng gần 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020.
Trước đó, trong công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với kết quả kinh doanh khá sốc đối với không ít nhà đầu tư: lỗ ròng gần 1.900 tỷ đồng. Trước đó, trong văn bản của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Petrolimex chỉ ước lỗ hơn 570 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến Petrolimex "lỗ sốc" là do tập đoàn này phải trích lập lượng lớn dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá xăng dầu giảm liên tiếp, thấp hơn đáng kể giá nhập vào.
Trong quý I/2020, giá vốn của Petrolimex đã bị đội thêm 1.595 tỷ đồng do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Như vậy, nếu không tính khoản trích lập dự phòng này, Petrolimex vẫn lỗ khoảng 300 tỷ đồng.
Thực tế hàng kỳ, các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex vẫn phải trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bởi giá xăng dầu thường xuyên biến động. Như quý I/2019, doanh nghiệp này đã hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới hơn 520 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cả quý.
Vì vậy, khoản dự phòng “khổng lồ” quý I/2020 không phải là chi phí bất thường, thậm chí nguy cơ tăng trích lập dự phòng vẫn còn hiện hữu nếu giá dầu thế giới biến động tiêu cực, khiến giá xăng dầu trong nước phải tiếp tục điều chỉnh giảm. Trong khi đó, việc hoàn nhập dự phòng còn tùy thuộc vào mức giá xăng dầu bán ra - nhập vào.
Do đó, ở góc độ đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý triển vọng hoàn nhập dự phòng của Petrolimex trong thời gian sắp tới là chưa rõ ràng, phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu, nguy cơ trích lập thêm dự phòng vẫn hiện hữu.
Điều này có nghĩa dự đoán biến động giá dầu là chìa khóa quan trọng nhưng đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với bất kể nhà đầu tư nào trên thế giới.
Trở lại với kết quả kinh doanh của Petrolimex, quý I/2020, Petrolimex ghi nhận gần 38.500 tỷ đồng doanh thu thuần, nhưng sau khi trừ đi giá vốn chỉ còn vỏn vẹn gần 450 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Trong khi đó, sức nặng chi phí vẫn rất lớn, như chi phí tài chính 230 tỷ đồng (tăng 38%), chi phí bán hàng 2015 tỷ đồng (giảm 11%), chi phí quản lý doanh nghiệp 148 tỷ đồng (tăng 10%).
Với 230 tỷ đồng doanh thu tài chính, 133 tỷ đồng tiền lãi trong công ty liên doanh liên kết cũng không đủ bù gánh nặng chi phí trên.
Kết quả, quý I/2020 Petrolimex lỗ trước thuế trên 1.700 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận của cổ đông không kiểm soát thì mức lỗ ròng hợp nhất của Petrolimex lên tới gần 1.900 tỷ đồng.
Trong kỳ, việc tăng cường trả nợ người bán đã khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm khá nặng, (-) 1.970 tỷ đồng. Tuy nhiên sự hụt đi của dòng tiền kinh doanh được bù đắp phần nào bởi dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài chính nên tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Petrolimex vẫn ở mức khá cao, trên 10.600 tỷ đồng.
Sự biến chuyển trong dòng tiền dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu nợ. Mặc dù tổng nợ phải trả của Petrolimex giảm 7,6% trong 3 tháng đầu năm nhưng nợ vay lại tăng 5,2%. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Petrolimex hiện ở mức 1,5 lần; trong khi tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 0,74 lần.
Có thể bạn quan tâm