Tài chính doanh nghiệp

Lợi nhuận của PLX giảm 90% do đâu?

Đình Đại 01/11/2024 11:09

Biến động của giá dầu thế giới theo xu hướng giảm mạnh trong quý III/2024 đã kéo lợi nhuận của “ông lớn” ngành kinh doanh xăng dầu Petrolimex - PLX giảm mạnh hơn 90%.

plx.jpg
Lợi nhuận quý III/2024 của PLX giảm hơn 90% so với cùng kỳ - Ảnh: PLX.

Cụ thể, kết thúc quý III/2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (HoSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 64.300 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc doanh thu sụt giảm, các chi phí như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 7% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong quý III năm nay, PLX không còn ghi nhận khoản lãi gần 650 tỷ đồng do thoái vốn tại ngân hàng PGBank.

Kết quả, kết thúc quý III, PLX ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt đạt gần 130,5 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái; Lãi ròng chỉ đạt 66 tỷ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ . Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất trong vòng 2 năm qua của “ông lớn” ngành kinh doanh xăng dầu này.

Theo giải trình từ lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do lợi nhuận kinh doanh xăng dầu thấp hơn so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do biến động của giá dầu thế giới theo xu hướng giảm mạnh trong quý III/2024, cụ thể: Giá dầu WTO đầu tháng 7 là 84 USD/thùng, giảm mạnh về vùng 71 USD/thùng vào đầu tháng 8, giữa tháng 8 hồi phục lên 80 USD/thùng, nhưng sau đó lại giảm mạnh xuống còn 65 USD/thùng (giảm 19%) tại thời điểm giữa tháng 9 dẫn đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn bị lỗ, trong khi quý III/2023 giá dầu theo xu hướng tăng nhẹ hoạt động kinh doanh có lãi.

Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động của một số lĩnh vực kinh doanh khác của Tập đoàn không thuận lợi, nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh các ngành hàng nhựa đường, hóa chất... trong quý III/2024 hiệu quả giảm so với cùng kỳ.

Mặc dù lợi nhuận quý III giảm mạnh, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 213.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, lần lượt vượt 13% và 10% so với kế hoạch.

cpplx.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu PLX đang giao dịch quanh mức giá 41.100 đồng/cp, giảm giảm gần 19% so với hồi giữa tháng 8.

Chứng khoán VCBS cho biết, dự thảo số 4 thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Theo VCBS, Dự thảo Nghị định mới có tác động tích cực hơn đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu do các quy định về chi phí kinh doanh phản ánh sát sao hơn những thay đổi thực tế về chi phí của doanh nghiệp như giảm thời gian điều hành các chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa.

Ngoài ra, Dự thảo cũng không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, việc tự quyết định giá bán (nhưng thấp hơn giá cơ sở) sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành như PLX và OIL do có thể tận dụng các ưu thế của doanh nghiệp về hệ thống phân phối, kho dự trữ xăng dầu để tăng tổng chi phí hoạt động định mức và lợi nhuận định mức thực nhận để cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Bên cạnh đó, VCBS cho rằng, tổng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu hoạt động ổn định, tránh các rủi ro chi phí đầu vào biến động đột biến, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, 2 Nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại để đảm bảo nguồn cung. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại để đảm bảo tiêu thụ 4 tháng cuối năm khoảng hơn 8 triệu m3/tấn với tồn kho từ 1,8 – 2 triệu tấn.

“Các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp cũng được Chính Phủ yêu cầu phải đảm bảo. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được yêu cầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, để không thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022”, VCBS đánh giá.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, giá dầu biến động giảm mạnh là thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Doanh thu của nhóm kinh doanh xăng dầu chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu, nhưng lợi nhuận gộp chịu tác động bởi nhiều yếu tố như cơ cấu thành phẩm xăng dầu tiêu thụ, hàng tồn kho, quỹ bình ổn,...dù được nhận một khoảng lợi nhuận cố định trên mỗi lít xăng dầu tiêu thụ.

Theo VCBS, quý III/2024 ghi nhận sự suy yếu của thị trường dầu mỏ thế giới khi giá dầu chạm mốc thấp nhất trong gần 3 năm. Giá dầu Brent đạt mức trung bình 79 USD/thùng, giảm 8,4% so với cùng kỳ là 86 USD/thùng và giảm 7,6% so với quý II/2024 là 85 USD/thùng. Điều này đã làm cho Biên lợi nhuận kinh doanh xăng dầu giảm và tăng chi phí vốn do tăng trích lập dự phòng Hàng tồn kho.

Theo dự báo của EIA, việc xung đột đã leo thang trong những tuần gần đây đã làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung và biến động giá dầu. EIA kỳ vọng khả năng sản xuất dầu thô dư thừa đáng kể, có thể được đưa vào hoạt động trong trường hợp xảy ra gián đoạn và việc sản lượng ở Libya sẽ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 10, sau những lần ngừng sản xuất gần đây sẽ góp phần giảm tác động biến động mạnh của giá dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lợi nhuận của PLX giảm 90% do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO