Câu chuyện Lòng Tin

Theo Trí Thức Trẻ 10/04/2018 11:27

Trên chuyến tàu khách đường dài hàng ngày, các hành khách đã an tọa, nhiều người thiu thiu ngủ… Tàu bắt đầu lăn bánh….

Hơn một giờ trôi qua, một phụ nữ trẻ mặc đồng phục ngành đường sắt đi dọc theo các toa tầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát vé : Nào xin các quý vị vui lòng cho xem vé….và lần lượt như vậy với thái độ nhẹ nhàng, cô nhanh chóng hoàn thành thủ tục đó với các hành khách, lướt nhanh qua các hàng ghế…

Vào giữa một toa, đến người khách trung niên đang ngồi. Anh ta vẻ mặt buồn buồn, nhìn đăm dăm ra ngoài cửa sổ tàu, dù lúc đó trời cũng đã tối. Nào, cảm phiền anh cho xem vé.

Cô nhân viên nói và chìa tay ra đợi. Anh ta móc túi ngực đưa ra chiếc vé nhỏ. Cô cầm xem rồi nhướn lông mày hỏi, vẫn bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng với cách xưng hô đã hơi khác: Này ông anh, ông anh đã ngần này tuổi sao lại mua nửa vé?

Dạ thưa cô – người đàn ông đáp khẽ: thật lòng tôi không muốn thế, nhưng vì việc gia dình phải đi gấp, nhất thời không đủ tiền… Ngập ngừng chốc lát anh nói tiếp: nhưng tôi cũng biết Nhà Tàu có qui định trẻ em dưới 10 tuổi và Thương Binh được mua nửa vé mà cô!

- À ra thế, ông anh là Thương Binh ? vậy cho tôi xem thẻ để vào sổ?

- Thưa cô, tôi đã nói là đi gấp nên ngay cả thẻ Thương Binh thường để ở nơi làm việc cũng không kịp quay đến lấy, mong được cô thông cảm !

Ô, ông anh nói lạ quá nhỉ, tôi thông cảm cho ông anh thì ai thông cảm cho tôi đây ? không có Thẻ Thương Binh thì tôi lấy cơ sở nào mà vào sổ để chấp nhận trường hợp này đây ? Tôi sẽ phải lấy tiền túi bù cho ông anh chắc ? Nếu không, đến ga cuối ông anh sẽ bị phạt gấp ba lần giá trị vé từ gốc đấy ! Cô hơi gằn giọng xuống.

Tôi đã nói thế mà cô không tin thì cô nhìn đây. Nói rồi anh ta kéo ống quần lên đủ nhìn thấy chiếc chân gỗ. Cô nhân viên lại nhướn cao hơn đôi lông mày : Ô, chân giả ! Nhưng cái tôi cần xem là thẻ Thương Binh của anh hiểu chưa, có số có má của nó để tôi còn vào sổ, và phát lại anh tích kê anh mới được chấp nhận nửa vé chứ !?

Bỗng nhiên một tiếng đàn ông gầm lên: Cô đúng không phải là giống người ! Mọi người quay sang nhìn chỗ vừa cất lên tiếng đó. Hóa ra là người đàn ông cao tuổi ngồi ở hàng ghế đối diện, chứng kiến từ đầu đến cuối đối thoại của hai người. Cô nhân viên hướng mặt tới ông ta, và lên giọng: Sao bác lại vô cớ xen vào công việc của tôi và lại bảo tôi không phải là giống người? bác có tai, nhưng bác không có mắt à mà dám bảo tôi như vậy ?

Cô đúng không phải là cái giống người ! Người đàn ông gằn gọng nói rõ từng từ: nếu là người thì giấy chứng nhận của cô đâu?

2. Tôi đi công tác Sài Gòn mấy ngày. Sáng cuối cùng thức dậy rất sớm, trời còn tối, ra ngồi ngoài quán café vỉa hè, cách Khách sạn một đoạn ngắn, tôi gọi taxi ra sân bay trở về Hà Nội để kịp làm việc tiếp trong ngày. Trong lúc chờ đợi gọi một lý café sữa đá. Chị chủ quán trung niên vừa hỏi han vừa đon đả phục vụ.

Được một lúc taxi đến, tôi rút ví, vì không có tiền lẻ nhỏ hơn, chỉ có 1 tờ 50 nghìn, nên rút tờ 100 nghìn ra trả, cũng có ý mong được chị trả lại tiền lẻ cho mình nhỡ khi cần tiêu lặt vặt dọc đường. Chị nhanh nhảu lục tìm tiền trả lại, chưa thấy đủ, sợ tôi chờ mất việc nên quay ra nói : Anh vẫn hàng ngày đi làm rồi lại về Khách sạn kia, thôi anh cứ đi cho được việc, rồi quay về trả em sau cũng được. Tôi chợt xấu hổ vì ý nghĩ trước đó của mình, cảm động vì câu nói của chị mà bảo lại rằng : Thôi chị đưa lại tôi tờ 5 chục cũng được, lần sau tôi quay lại chỗ chị uống café tiếp mà. Nói thêm lần nữa chị mới an lòng.

Về đến Nội Bài bắt taxi đi tiếp về…Trời buổi sớm thoáng mát, vui chuyện tôi hỏi chuyện làm ăn của cậu lái xe. Cậu ta cũng cởi mở đáp lại. rồi cậu ấy thở dài đánh sượt: Nhưng em bị mắc bệnh thích chơi lô đề nên chả mấy khi còn tiền mà nghĩ đến chuyện lấy vợ anh ạ.

Tôi hỏi : Thường mỗi lần em chơi bao nhiêu? Cậu ta đáp: Hôm nào ít thì 1 trăm, có khi đến cả triệu….mà vô cùng hiếm mới có ngày được trúng một tí an ủi, cũng lại nướng tiếp vào nó thôi anh ạ.

Khi xe đến nơi làm việc, tôi rút ví lấy tiền trả thì oái oăm làm sao thiếu mất 30 nghìn ( vì cũng ít khi tôi phải sử dụng tiền mặt nhiều trong ví, nên cũng không để ý mà chuẩn bị ). Tôi nói với cậu lái xe : cơ quan anh tầng 8 tòa nhà này, đợi anh sau 5 phút nữa sẽ xuống đưa nốt em, kể cả thêm tiền làm phiền em phải chờ đợi nhé. Cậu ấy gãi đầu ngắc ngứ ko nói gì, nét mặt hơi nhăn lên vẻ khó khăn. Tôi hiểu ra và nói : Nếu em chưa tin anh thì em cầm chiếc điện thoại di động của anh đây, anh sẽ lên lấy tiền rồi xuống ngay.

Tôi dường như bị chạm tự ái, xuống đóng cửa xe và đi nhanh lên tòa nhà. Ít phút sau tôi xuống, cậu lái xe vẫn đợi. Tôi gửi lại tiền thiếu cho cậu ta, và cậu ấy đưa lại tôi chiếc mobile, giọng nhỏ nhẹ nhưng lễ độ: Em cảm ơn, anh thông cảm nhé.

Cậu ta đánh xe đi, tôi nhìn theo, bỗng nhiên thẫn thờ, rồi thấy trống hơ trống hoác trong đầu tôi một câu hỏi : Tại sao cậu ấy lại tin vào những con số may rủi hết sức vớ vẩn để chơi lô đề mà đánh cược cả triệu bạc vào đó, thấp thỏm chờ đợi cả ngày để rồi trắng tay, vậy tại sao không thể tin vào một con người như tôi mà có thể chờ đợi trong 5 phút để đi lấy 30 nghìn tiền thiếu trả cho cậu ấy? Và cậu ấy không hề là người xấu vù bỏ đi khi đang cầm chiếc Mobile của tôi đưa cho làm tín chấp khi giá của nó cả gần chục triệu ? Tại sao nhỉ ???

3. Tôi vì công việc nên có quen biết một giảng viên là Phó Giáo sư, Tiến sĩ một học viện cấp Quốc gia. Môn học chuyên ngành của ông ấy là Kinh tế Chính trị. Môn này được xem là cơ sở lí luận, nên có trong chương trình của tất cả các cấp độ đào tạo với mọi đối tượng. Nếu có ai hỏi về công việc của ông ấy thế nào luôn nhận được từ ông cái lắc đầu nhún vai tỏ ra mệt mỏi, nhưng ngầm chứa đầy hãnh diện: Tớ giảng kín ngày, kín tuần… Đấy tí nữa lại phải lên lớp phụ đạo thêm mấy anh ở lớp nghiên cứu sinh để tuần sau thi, rồi tối lại có mấy trường nhờ giảng cho lớp cán bộ lấy bằng 2…đến mệt mà chả thể từ chối được !

Mỗi năm, đều như vắt chanh, Khoa ông ấy được phân bổ những đề tài nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành kinh tế chính trị đó… và như thường lệ ông luôn đứng tên long trọng là chủ nhiều đề tài nghiên cứu chung của cả Khoa…

Ông là người đưa ra nhiều chuyện lạ trong thực tế khi giảng, nhưng để củng cố lòng tin với học viên ông thường nói: tôi xin kể các bạn câu chuyện này, thật 100% luôn, nếu không cũng 99%. Học viên nghe cười ồ, thấy ông dí dủm, họ tỉnh lên như sáo vừa được vẩy nước và chăm chú với cái câu chuyện mà cách ông giới thiệu đã nói lên rằng thực ra ông chỉ là 1 % của cái chuỗi làm nên nó.

Trong một buổi liên hoan, như vẫn thế sau khi kết thúc tốt đẹp những lần thi cử đầu ra đầu vào, các học viên trân trọng mời cả ông ấy mà một số thầy nữa đến dự tiệc ở nhà hàng. Không phải lần đầu, sau khi vui chén rượu, người ta thường nói thật. Có học viên đã đủ cảm thấy yên tâm và nhiều người trong số họ vốn là trí thức có chức có hàm cả, nên nổi hứng tranh luận hoặc hỏi lại vài điều mà ông ấy từng giảng, tỏ ý không tin vào những điều từng được nghe trong lớp: thế nào là Tư Bản giãy chết, thế nào là bóc lột thặng dư, thế nào là Chủ nghĩa xã hội ưu việt …

Ông ấy ngả nghiêng đứng lên cầm chén rượu, giọng lả lơi nhưng vẫn có chất áp đặt của những ông Thày môn đó như khi đứng bục, ông ấy nói : Hỏi, tranh luận cái đếch gì cho nó thối việc. Tớ chả dại sa đà mà mất đoàn kết với các bạn. Nhưng ở đây, toàn người hiểu biết, tớ nói thẳng: nồi cơm của nhà tớ và nồi cơm của nhà cậu chắc cũng giống nhau từng hạt thôi, nhưng cái cách kiếm cơm nó cũng khác nhau. Tớ cũng như bạn chỉ tin vào nồi cơm nhà mình trong đó cơm nó thế nào thôi, nhiều hay ít, ngon hay không. Một Dân tộc không có luận thuyết là man rợ, nhưng một Dân tộc làm nô lệ cho luận thuyết là Dân tộc bị đầu độc. Nhưng các bạn thấy đấy : tớ đi giảng môn ấy ngày này qua ngày khác, thông như vắt chanh mà có bị đầu độc không nào? Tớ uống bao nhiêu là rượu các lớp mời mà có bị đầu độc đâu nào….Ha ha ha…thôi nào các bạn, cùng Dzô 100% nhé…

Mọi người đồng thanh hùng dũng và ồn ào như sẵn sàng ra trận thi thố và khẳng định với nhau : Dzô…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện Lòng Tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO