Robins.vn, trước đây là Zalora dừng hoạt động sau gần 2 năm vận hành.
Trang thương mại điện tử Robins.vn vừa dừng hoạt động bán hàng trực tuyến từ ngày 27/3.
"Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng Robins suốt những năm qua. Cùng những kế hoạch và định hướng phát triển tương lai, chúng tôi sẽ quay lại phục vụ khách hàng với mô hình hấp dẫn và đa dạng hơn trong thời gian sớm nhất", Robins thông cáo.
Robins Online tiền thân là Zalora. Năm 2012, Zalora đặt chân vào Việt Nam và sau đó bị Central Group mua lại vào năm 2016. Đến tháng 5/2017, tên miền Zalora bị gỡ bỏ và thay thế bằng Robins.vn. Sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của Central Group (Thái Lan) này chuyên bán lẻ các sản phầm từ quần áo, giày dép đến phụ kiện, làm đẹp.
Hiện trang này không còn hiển thị sản phẩm mà chỉ còn chức năng giới thiệu về hoạt động và hệ thống cửa hàng của Robins. Sau khi đóng cửa trang bán hàng trực tuyến, Robins vẫn còn cửa hàng tại hai trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và TP HCM.
Tập đoàn mẹ Central Group hiện diện tại Việt Nam với trên nhiều lĩnh vực như Thời trang (Fashion Group), Điện máy (Nguyễn Kim), Siêu thị (Lan Chi, Big C) và khách sạn (Centara Sandy Beach Resort Đà Nẵng).
Thị trường TMĐT Việt Nam thời gian gần đây tiếp tục cho thấy sự khắc nghiệt. Cách đây không lâu, trang TMĐT Vuivui.com của Thế giới di động cũng tuyên bố ngưng hoạt động. Vuivui từng được kỳ vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020 và và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới Di Động.
Bất chấp khó khăn, ngành TMĐT trong nước vẫn được coi là còn nhiều dư địa phát triển. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.
Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.