Chậm chạp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước

DIỄM NGỌC 04/10/2022 04:50

Trong 9 tháng đầu năm 2022, vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gần như giậm chân tại chỗ, với sự tác động từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

>>Quy định cổ phần hóa sẽ được sửa như thế nào?

Thiên không thời, địa không lợi

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thời gian gần đây, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 48,3 tỷ đồng thu về 109,1 tỷ đồng và có 1 đơn vị thoái vốn không thành công. Lũy kế 9 tháng năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (ảnh minh hoạ)

Bộ Tài chính cũng nêu rõ các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được như kế hoạch cụ thể như: Thứnhất, về khách quan, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian; một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nhưng có doanh thu và lợi nhuận thấp, không thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, về chủ quan, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Về những nguyên nhân trên, ông Phạm Minh Thuỵ, Trưởng phòng Nghiên cứu Giá cả và Thị trường, Viện Kinh tế - Tài chính phân tích, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hoặc các diễn biến của thị trường là vấn đề ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà thẩm định giá. Mặc dù phía cơ quan quản lý giá đã cố gắng kiềm chế để đạt được một định hướng nhất định, nhưng thị trường biến động lớn trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế mở trên 200%. Vì vậy, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới rất lớn bao gồm cả thị trường chứng khoán.

“Điều đó cho thấy rằng, nhiều chỉ tiêu vượt ngoài tầm điều tiết kiểm soát của cơ quan quản lý, cũng như của các doanh nghiệp được cổ phần hóa, hay các tổ chức thẩm định giá được giao định giá một doanh nghiệp nào đó. Để thực hiện được vấn đề này trong một giai đoạn nhất định và để doanh nghiệp cổ phần hóa thành công, cũng phải trông chờ vào “thiên thời” chứ không chỉ dựa vào “địa lợi” là chính bản thân mình.

Vấn đề nữa là, muốn tính toán dự báo các lợi ích, hiệu quả của doanh nghiệp như kế hoạch đầu tư, kế hoạch doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp trong 3-5 năm tới, tức là thực hiện cổ phần hóa bằng chiết khấu dòng tiền là vấn đề mang tính dự báo, dự đoán nên độ chắc chắn không cao. Đó cũng là điểm yếu và chính sách hiện nay của Việt Nam quy định, trong khi thẩm định giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước đưa vào cổ phần hóa phải trên cơ sở phương pháp tài sản là chính”, ông Thuỵ lý giải.

>>Giá trị cổ phần hóa không chỉ có... đất

Bắt đúng bệnh, đẩy nhanh lộ trình

Cũng theo vị chuyên gia, trong thời điểm này, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp lên thì phải có môi trường vĩ mô, để tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp hoạt động; bên cạnh đó, các doanh nghiệp được cổ phần hóa phải phát huy được hết lợi thế, tiềm năng của mình cả về thương hiệu, vị trí địa lý, tài sản hiện có hoặc lợi thế về đất đai. Các cơ quan được giao thực hiện cổ phần hóa một doanh nghiệp nào đó, thì đơn vị đó nên có tham vấn, hoặc thuê các đơn vị làm IPO chuyên nghiệp để có hiệu quả tốt, hơn là những người công chức, làm quản lý nhà nước tự đứng ra thực hiện.

Các cơ quan được giao thực hiện cổ phần hóa thì nên có tham vấn, hoặc thuê các đơn vị làm IPO chuyên nghiệp để có hiệu quả tốt (ảnh: SSI)

Các cơ quan được giao thực hiện cổ phần hóa thì nên có tham vấn, hoặc thuê các đơn vị làm IPO chuyên nghiệp để có hiệu quả tốt (ảnh: SSI)

Về phía Bộ Tài chính, Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Bộ Tài chính hiện đang rà soát lại cơ chế chính sách, lắng nghe những bất cập, vướng mắc từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, cùng chuyên gia “mổ xẻ” những vấn đề nào cốt lõi cản trở việc cổ phần hóa, thoái vốn. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp, kịp thời hoàn thiện các chính sách, bắt “đúng bệnh” để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đề xuất ba giải pháp: Một là, xử lý vấn đề về đất. Xử lý vấn đề sắp xếp đất đai, nhà đất như thế nào cho thanh thoát.

“Đặc biệt, việc sắp xếp đất đai để đảm bảo thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh chính, thay vì sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đi vào kinh doanh bất động sản hay không đúng mục tiêu của cổ phần hóa. Phải có giải pháp căn cơ và minh bạch, để kinh doanh nghiệp khi triển khai thì thấy rõ mình làm như thế không sai, không sợ trách nhiệm. Đấy là điều quan trọng nhất".

Hai là, sắp xếp đất đai để tiết kiệm nguồn lực và thu hồi lại nguồn lực để giải phóng nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế khác. Qua đây, rà soát thêm những khâu chuẩn bị, bất cập trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp. Rà soát lại và hoàn thiện thể chế theo hướng công khai minh bạch, tôn trọng việc thẩm định giá của các cơ quan tư vấn thẩm định giá và tuân thủ theo các tiêu chuẩn thẩm định giá, tránh sự can thiệp của Nhà nước.

Ba là, phải nắm bắt được suy nghĩ, nhận thức cũng như tâm tư của doanh nghiệp, chủ thể thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, từ đó, động viên nhận thức, hoàn chỉnh thể chế để tăng niềm tin, trách nhiệm cho doanh nghiệp. Khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, doanh nghiệp không phải lo sợ gì mà thực hiện đúng những điều được pháp luật bảo trợ, đấy là mong muốn của Bộ Tài chính.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy định cổ phần hóa sẽ được sửa như thế nào?

    00:06, 01/10/2022

  • Giá trị cổ phần hóa không chỉ có... đất

    12:30, 19/06/2022

  • Thất thoát địa tô từ cổ phần hóa

    16:39, 16/06/2022

  • Tài sản nhà nước thất thoát nhiều qua cổ phần hóa, chủ yếu từ đất đai

    10:40, 08/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chậm chạp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO