Trước những lùm xùm của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, để lành mạnh thị trường, theo chuyên gia, bên cạnh việc siết chặt quản lý của cơ quan Nhà nước, cần tăng cường hoạt động giám sát…
>> Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cần cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo đó, Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua mô hình ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancassurance).
Đáng nói, kết quả thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới với một số hành vi vi phạm điển hình như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Cũng theo kết quả thanh tra, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới hơn 70% (tức là cứ 100 người mua bảo hiểm, có đến 73 người hủy hợp đồng sau năm đầu tiên), việc hủy hợp đồng chỉ sau 1 năm, đồng nghĩa với việc khách hàng mất trắng khoản tiền đã nộp…
Sau kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã đề nghị lãnh đạo của các doanh nghiệp rà soát, tăng cường quản lý việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
>> Dư luận nghi ngại về bảo hiểm nhân thọ
“Doanh nghiệp cần có quy trình, quy chế ngăn ngừa, phát hiện sớm vi phạm của đại lý bảo hiểm. Các quy trình, quy chế phải phân cấp, ủy quyền rõ ràng, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận. Khi tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, doanh nghiệp chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, đặc biệt là hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo hướng dẫn về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý, trong đó có quy định “ngân hàng không được phép tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm cho khách trong thời gian khách thực hiện các thủ tục vay vốn...”.
Đánh giá về quy định này, một số chuyên gia cho rằng, việc đưa ra quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trong thời gian khách thực hiện thủ tục vay vốn sẽ góp phần hạn chế tình trạng ép mua bảo hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính hành chính, chưa căn cơ bởi không loại trừ trường hợp sẽ phát sinh những cách “lách luật” để bán bảo hiểm.
Điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc vấn đề, vì vậy, cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện. Khi cửa vay vốn rộng mở cho người đủ điều kiện, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay sẽ bị hẹp lại.
Bên cạnh việc “siết chặt” quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, theo các chuyên gia, để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm, lấy lại lòng tin đối với khách hàng, cũng cần tăng cường hoạt động giám sát.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính kiến nghị, thời gian tới, để không xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, cơ quan Nhà nước cần giám sát, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm sớm phát hiện hành vi sai phạm và ngăn chặn.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc khách hàng khi vay vốn, thậm chí gửi tiết kiệm, bị “ép” hoặc “biến” thành mua bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã gây mất lòng tin đối với khách hang đối với thị trường bảo hiểm. Do vậy, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, các công ty bảo hiểm có liên quan cũng cần sớm có giải pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng để bảo vệ cho uy tín kinh doanh của mình.
Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quản quan lý Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần nhanh chóng quyết liệt vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, người gửi tiền. Nếu phát hiện sai phạm phải xem xét xử lý theo quy định cả hành chính và cả về hình sự.
Đặc biệt, sau những “lùm xùm” thời gian qua, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và cả các cơ quan báo chí cũng cần tích cực, tăng cường tham gia vào việc giám sát xã hội, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính: Sẽ thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ
10:50, 05/07/2023
Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cần cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp
03:30, 04/06/2023
Dư luận nghi ngại về bảo hiểm nhân thọ
10:10, 31/05/2023
Bảo hiểm nhân thọ và mặt trái tăng trưởng “nóng”
22:30, 27/04/2023
Vụ lùm xùm bảo hiểm nhân thọ: Có phải “con sâu làm rầu nồi canh”?
03:00, 18/04/2023