Việc lực lượng công an làm chặt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý người tham gia giao thông sau khi uống bia, rượu đã tạo bình yên cho xã hội.
>>Đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở của người lái xe
Theo số liệu từ đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8-14/2/2024) có 541 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước, làm chết 214 người và bị thương 504 nạn nhân. So với cùng kỳ, số vụ tai nạn tăng 83 vụ (+18,12%), giảm 69 người chết (-24,38%), tăng 177 người bị thương (+54,13%).
Về xử lý vi phạm, CSGT cả nước đã huy động 118.114 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát. Kết quả, có 71.409 trường hợp vi phạm bị xử lý; phạt tiền 182,4 tỉ đồng. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số vi phạm bị xử phạt tăng 223,4%, số tiền phạt tăng 265,4%. Lực lượng chức năng đã tạm giữ khoảng 36.000 xe cộ các loại; tước 18.899 bằng lái.
Đáng chú ý, có 29.099 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Con số này chiếm 41,25% tổng số vi phạm. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số vi phạm nồng độ cồn tăng 277,7%. Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao là: TP.HCM 2.576 trường hợp, Hà Nội 1.167 trường hợp, Đồng Nai 1.060 trường hợp.
Có thể khẳng định, chiến dịch kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã và đang thực sự tạo chuyển biến rất lớn trong toàn xã hội. Với sự quyết liệt và nghiêm minh của lực lượng chức năng, người dân từng bước nâng cao nhận thức về việc “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tập trung xử lý rất rốt ráo, kiên quyết. Đặc biệt, năm 2023 là một năm để lại dấu ấn khi xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, không có ngày nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ và đã "đi vào bữa cơm của mỗi gia đình".
Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ 2024 mà cả những năm tiếp theo, mục đích là giảm thiểu tai nạn; duy trì thói quen của người dân đã uống rượu bia thì không lái xe.
“Lực lượng CSGT trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì kết quả, duy trì nền nếp là xử lý kiên quyết, rốt ráo, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cho đến khi nào tạo thành thói quen, không chỉ năm 2024 và thời gian tiếp theo nữa. Nói ở đây không phải chúng tôi đặt nặng vấn đề xử phạt, mà phải làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu bia thì không lái xe”. - Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Đúng vậy, những ngày qua, sự mạnh tay, kiên quyết của lực lượng CSGT trong việc xử lý “ma men” tham gia giao thông đã và đang nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, được dư luận đánh giá cao. Sự quyết liệt trong công tác xử lý bước đầu đã tạo tác dụng răn đe vi phạm, mang đến hiệu ứng tích cực, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
Đây cũng là lý do để đề xuất các tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung, cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự được ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra tại Hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" mới đây.
Theo ông Minh, hiện chế tài xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Dù vậy, pháp luật hiện hành quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/lít khí thở trở lên vẫn chung một hình phạt.
Ông Minh ví dụ, người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau (tức là ở mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 -24 tháng đối với ô tô). "Điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi, nếu vượt qua mức 3 (mức kịch khung) hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả", ông Minh đề xuất.
>>Không có vùng cấm xử lý vi phạm nồng độ cồn
Và để thực hiện việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, ông Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản nêu rõ nồng độ cồn ở mức nào là ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng và có thể khiến người điều khiển mất kiểm soát hoàn toàn. Ngoài ra, ông Minh đề xuất nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt như: trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…
Được biết, vừa qua, đại diện Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin quý 1/2024 của Bộ Y tế vừa diễn ra, bày tỏ quan điểm về kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng", TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay: Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể giảm số vụ tai nạn giao thông ra sao".
Về vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho rằng: "Với quan điểm cá nhân của tôi, trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa".
Có thể bạn quan tâm
13:39, 06/02/2024
00:00, 01/02/2024
16:30, 31/12/2023
13:06, 29/11/2023
04:00, 21/11/2023