Khi tham gia giao thông, nhiều người điều khiển xe máy vẫn mắc phải những lỗi vi phạm mà cơ quan chức năng thường xuyên xử lý.
Một trong những lỗi vi phạm giao thông phổ biến nhất khi đi xe máy là không đội mũ bảo hiểm. Đây là hành vi thiếu an toàn, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu gặp phải tai nạn. Dù quy định về việc đội mũ bảo hiểm đã được phổ biến rộng rãi, nhưng tình trạng người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn còn khá phổ biến. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử phạt những trường hợp này. Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP nêu rõ, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.
Chạy xe vượt đèn đỏ là một trong những lỗi mà người tham gia giao thông hay mắc phải. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các khu vực có mật độ giao thông cao. Nhiều người điều khiển xe máy do không kiên nhẫn hoặc muốn tiết kiệm thời gian, đã vượt đèn đỏ, tạo ra nguy cơ tai nạn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Đây là hành vi rất nguy hiểm và bị xử lý nghiêm. Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.
Việc điều khiển xe máy mà không có bằng lái xe là lỗi vi phạm nghiêm trọng trong giao thông. Trong trường hợp này, người vi phạm có thể bị phạt tiền và yêu cầu tạm giữ phương tiện. Nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những bạn trẻ và sinh viên chưa hoàn tất thủ tục thi bằng lái xe, dễ dàng bị xử phạt khi cơ quan chức năng kiểm tra. Căn cứ vào điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Với người điều khiển xe máy dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe máy bị phạt hành chính từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Với người điều khiển xe máy dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên phạt hành chính từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng ngoài phạt hành chính, người tham gia giao thông còn có thể bị tạm giữ phương tiện với thời hạn 7 ngày.
Một lỗi rất phổ biến nữa, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết hoặc những buổi tối cuối tuần, đó là việc điều khiển xe máy khi đã uống rượu bia. Dù cơ quan chức năng đã có các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về việc không lái xe khi uống rượu bia, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến việc lái xe máy khi say rượu không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhiều người lái xe máy sau khi uống rượu bia không kiểm soát được tốc độ và hướng đi của xe, làm gia tăng nguy cơ tai nạn. Mức phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng. Phạt tiền từ 4.000.000-5.000.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/ 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng. Phạt tiền từ 6.00.000-8.000.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Các thành phố lớn thường có hệ thống đường phố phức tạp, với nhiều làn đường được phân chia cho các loại phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, không ít người điều khiển xe máy vi phạm quy định về làn đường, chạy sai làn hoặc lấn làn xe khác. Các hành vi này gây ra sự mất trật tự và dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, với mức phạt 400.000 - 600.000 đồng.
Những lỗi vi phạm giao thông khi đi xe máy không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của người vi phạm mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Để giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, mỗi người cần tự giác tuân thủ các quy định.