Dự án FDI quy mô nhỏ không chỉ đem đến Việt Nam công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác, mà còn cản trở khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 6 tháng đầu 2019, vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhưng quy mô các dự án xét theo tổng mức đầu tư ngày càng nhỏ, trung bình chỉ 1 triệu USD.
Dự án nhỏ ngày một nhiều
Sau nhiều nỗ lực, môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, minh chứng là không những nhà đầu tư lớn mà cả nhà đầu tư nhỏ bắt đầu tìm đến Việt Nam. Nếu như năm 2008 quy mô trung bình mỗi dự án là 19 triệu USD thì đến năm 2018 giảm tới 3 lần.
Thậm chí, nhiều địa phương từng thu hút được dự án FDI có vốn đăng ký chỉ… 20.000 USD. Hiện nay, vốn FDI chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D),...
Diễn biến nói trên làm dấy lên nhiều lo ngại, với những dự án quy mô nhỏ, không loại trừ khả năng nhà đầu tư mang đến công nghệ lạc hậu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang toan tính thải loại công nghệ cũ ra khỏi lãnh thổ.
Nhưng, còn mối nguy khác lớn hơn, đó là chủ đầu tư các dự án FDI quy mô nhỏ chỉ là những doanh nghiệp “vệ tinh” của các tập đoàn đa quốc gia, vào Việt Nam chỉ để làm nhiệm vụ cung ứng nguyên, vật liệu cho các “ông lớn” ở nước ngoài. Thực tế đó đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vào tình thế khó khăn hơn, cản trở khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 35%, khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này còn quá thấp.
Ngoài các tiêu chí về môi trường, lao động, công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần quy định mức vốn tối thiểu với dự án FDI để sàng lọc được những dự án có chất lượng cao.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tạo ra sức lan tỏa về kỹ năng, lao động chất lượng cao, khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng đó. Nguy hại hơn, nếu quản lý vĩ mô không tốt, dòng vốn FDI đổ vào ồ ạt còn tạo ra lạm phát, bong bóng bất động sản…
Cần cơ chế sàng lọc
Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh mở, nhưng để hạn chế hệ lụy của các dự án FDI quy mô nhỏ, cần phải thực hiện về mặt chính sách lẫn các biện pháp kinh tế kỹ thuật.
Mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có những cơ chế, tiêu chí cụ thể cho nguồn vốn này. Hầu hết các địa phương vẫn nhìn nhà đầu tư ngoại để chọn dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào những tiêu chuẩn do các địa phương đưa ra để quyết định đầu tư.
Không thu hút FDI bằng mọi giá, điều này buộc Chính phủ và các Bộ, ngành cùng các địa phương phải ban hành bộ tiêu chí mới để nắm quyền chủ động. Trước hết, cần bãi bỏ tư duy mỗi tỉnh, thành phải có vài khu công nghiệp, ỷ lại vào nhà đầu tư - đây là nguồn cơn khiến không ít địa phương “hạ mình” trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Chọn nhà đầu tư không phải bằng ý chí chủ quan, mà phải dựa trên các tiêu chuẩn khung như lao động, số lượng vốn tối thiểu, mặt hàng sản xuất, công nghệ sử dụng, môi trường… để sàng lọc, chọn lựa được những dự án FDI tốt, có tính lan tỏa cao.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao năng lực trong nước và có cơ chế để doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn như Hàn Quốc có quy định yêu cầu tập đoàn lớn phải thuê bên ngoài bao nhiêu phần trăm, chứ không được chỉ sử dụng các doanh nghiệp “vệ tinh” của chính mình.
“FDI 2.0” là khái niệm bắt đầu được nhắc tới ở Việt Nam, và tham vọng của nước ta buộc phải đi kèm với các dự án lớn, có khả năng sản sinh giá trị lâu dài. Ở phương diện chính sách, loại bỏ dự án FDI nhỏ không khó, nhưng để đánh giá chất lượng dự án buộc các nhà hoạch định phải nắm rõ thế nào là công nghệ nguồn, công nghệ cao.