Chàng trai 9x khởi nghiệp từ đam mê nghiên cứu thiết bị điện

DIỆU HÀ - THANH GIANG 08/05/2023 01:22

Nhận thấy nguy hiểm, rủi ro khi sử dụng bồn nước gắn phao điện, anh Nguyễn Mạnh Cường cùng nhóm nghiên cứu relay an toàn phao bơm và quyết tâm khởi nghiệp với mô hình này.

>>Mang sản phẩm khởi nghiệp xuất khẩu quốc tế

Lên ý tưởng từ môi trường học đường

Thời sinh viên, anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998, TP Đà Nẵng) đã tham gia nhiều chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và đạt nhiều thành tích nổi bật. Với đam mê nghiên cứu thiết bị điện, anh Cường định hướng khởi nghiệp phát triển sản phẩm gắn liền với điện dân dụng trong sinh hoạt. 

Bắt đầu khởi nghiệp, anh hướng đến những sản phẩm Việt Nam chưa có người cung ứng, gọi là “thị trường ngách” để thương mại hóa sản phẩm. Chia sẻ về ý tưởng, anh Nguyễn Mạnh Cường cho hay bản thân anh và hai cộng sự là sinh viên ngành kĩ thuật điện, đã từng có thời gian làm thêm các công việc liên quan đến ngành học.

Anh Nguyễn Mạnh Cường kiểm tra chất lượng thiết bị relay chống giật.

Anh Nguyễn Mạnh Cường kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi tung ra thị trường.

“Làm nhiều, trải nghiệm nhiều nên thấy được rủi ro rò rỉ, giật điện khi sử dụng bồn nước gắn phao điện. Từ đó, chúng tôi có ý tưởng làm bộ relay chống giật 12V cho phao điện, nhỏ gọn, giá thành thấp”, anh Cương nói.

Nghĩ là làm, anh Cường đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu công năng relay tăng tuổi thọ cho phao điện để phao điện không trực tiếp chịu tải đóng cắt nguồn điện 220V đến máy bơm, đồng thời giảm tải cho hệ thống dẫn đến phao điện.  Giai đoạn đầu, anh lên ý tưởng chế tạo một bộ mạch nhỏ có thể cho vào hộp được. Nhưng nhận thấy chưa có tính thẩm mĩ, vì thế tiếp tục nghiên cứu thiết kế mạch điện để dễ lắp nối và có tính ứng dụng cao hơn.

Năm cuối đại học, anh Cường và nhóm nghiên cứu quyết tâm thực hiện hóa ý tưởng. Với số vốn ít ỏi 3 triệu đồng, anh tìm kiếm những nguyên liệu cơ bản, phát triển sản phẩm Relay an toàn phao bơm trong sinh hoạt.

Hơn 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm với hàng loạt thất bại, chàng thanh niên này phải thay đổi liên tục, nghiên cứu lại nguyên lí hoạt động để cho ra sản phẩm đúng như thiết kế, phù hợp với người sử dụng. Và mất đến 5 tháng để có thể hoàn thiện sản phẩm đầu tay để bán ra thị trường.

Thiết bị Relay an toàn phao bơm luôn trong tình trạng “cháy hàng” mỗi tháng.

Thiết bị Relay an toàn phao bơm luôn trong tình trạng “cháy hàng” mỗi tháng.

Tuy nhiên, thương hiệu sản phẩm còn quá mới mẻ so với thị trường cho nên nhóm sinh viên này đã quyết định marketing bằng cách đăng tải trên các hội nhóm liên quan đến ngành kĩ thuật điện, điện dân dụng để tiếp cận người tiêu dùng. Sau một thời gian được khách hàng tin dùng, số lượng mua hàng tăng lên đã góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm. 

“Tuổi trẻ, ít kinh nghiệm, không nhiều vốn, thất bại nhiều lần với sản phẩm đầu tay. Nhưng đây là động lực giúp tôi và đồng đội nghiên cứu ra các sản phẩm chất lượng, giảm thiểu giá thành xuống mức bình dân, phù hợp mọi đối tượng khách hàng”, anh Cường cho hay.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Tuấn Sang, cộng sự nghiên cứu cùng anh Cường chia sẻ: “Trước đây, người ta thường bắt trực tiếp dòng điện cao vào phao, tuy nhiên dễ xảy ra tình trạng rò điện do quá trình sử dụng lâu ngày. Vì thế, chúng tôi thiết kế relay an toàn phao bơm với mong muốn đảm bảo an toàn cho người dùng nhưng vẫn tiết kiệm điện”.

Đẩy mạnh hệ thống sản phẩm an toàn

Hướng đến các sản phẩm thiết bị điện hữu ích, đảm bảo an toàn khi sử dụng, anh Nguyễn Mạnh Cường đã chú trọng nghiên cứu nhiều sản phẩm ứng dụng đa dạng trong đời sống. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, lấy doanh thu tiếp tục đầu tư phát triển, từng bước chinh phục thị trường thiết bị điện dân dụng.

Thành công với thiết bị Relay an toàn phao bơm với số lượng tiêu thụ đáng kể trên thị trường, anh Cường tiếp tục phát triển công ty, nghiên cứu sản phẩm giải quyết các vấn đề nguy hiểm khi sử dụng đồ điện sinh hoạt. Để khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu, anh Cường đã cùng hai cộng sự quyết định thành lập Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện STC Electric (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) khi vừa tốt nghiệp đại học.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (đứng giữa) cùng hai cộng sự thành lập Công ty CP Sản xuất thiết bị điện STC Electric.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (đứng giữa) cùng hai cộng sự thành lập Công ty CP Sản xuất thiết bị điện STC Electric.

Hiện nay, đơn vị đã có một số sản phẩm ứng dụng thành công, phổ biến trên thị trường như bơm thông minh tự ngắt dành cho máy cắt, Relay an toàn phao điện,... Nắm bắt nhu cầu thị trường, sản phẩm của STC Electric đã có mặt trên tất cả các sàn thương mại điện tử: Shoppe, Lazada, Facebook, Tiktok,... nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người sử dụng.

Đặc biệt, phát triển hoạt động livestream trên tiktok để tiếp cận gần hơn mọi đối tượng khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp cũng chủ động đăng kí Sở hữu Trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm sáng tạo thành công.

“Đây là bước quan trọng để STC Electric tiếp tục phát triển, vươn xa trên thị trường”, anh Cường chia sẻ.

Cho đến hiện tại, Công ty đã có 10 nhân công sản xuất với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người. Mỗi ngày làm theo ca, gia công khoảng 50 sản phẩm/ 5 người nhân công.

“Hiện tại, lượng sản phẩm gia công và lượng sản phẩm bán ra gần như bằng nhau. Vì thế, hàng ngày xưởng vẫn sản xuất để đảm bảo hàng cung cấp đủ cho người sử dụng”, anh Cường nói thêm.

Sau hơn một năm khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ dần khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Hiện sản phẩm của nhóm nghiên cứu đã có mặt tại hơn 181 đại lý trên 39 tỉnh thành toàn quốc, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng/ tháng.

STC Electric tiếp tục nghiên cứu nâng cấp tính năng, mẫu mã thiết bị để phù hợp với người sử dụng.

STC Electric tiếp tục nghiên cứu nâng cấp tính năng, mẫu mã thiết bị để phù hợp với người sử dụng.

Trong định hướng sắp tới, anh Nguyễn Mạnh Cường mong muốn thực hiện sứ mệnh “Mang đến cho người Việt Nam những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm điện, giá cả tốt nhất thị trường”. Đồng thời, cùng STC Electric phát triển xưởng thành nhà máy sản xuất thiết bị điện chất lượng vượt trội. Tập trung nghiên cứu chú trọng tính an toàn, thiết thực trong dân dụng. Song song đó, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm sáng tạo, kiến thức chuyên sâu để phát triển doanh nghiệp.

Theo anh Cường, ước tính trừ chi phí đầu tư cho hoạt động mở xưởng, marketing, các chi phí khác… thì tỉ suất sinh lợi từ 30 – 40%. Trong thời gian đến, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại sản phẩm trên các sàn điện tử. Đồng thời, mang sản phẩm tham gia các chương trình kết nối, ươm tạo khởi nghiệp để quảng bá chất lượng sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Chia sẻ về khởi nghiệp, anh Cường cho rằng bản thân người khởi nghiệp cần có ý chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm, không ngại thất bại. Đặc biệt, cần sự đầu tư về chuyên môn quản lí, chú trọng gây dựng tinh thần đoàn kết đội ngũ cộng sự, nhân viên,… để xây dựng doanh nghiệp trẻ ngày càng vươn xa hơn.

 “Hy vọng hành trình khởi nghiệp của bản thân sẽ tiếp thêm động lực cho người trẻ đam mê khởi nghiệp. Đặc biệt, thông qua các chương trình kết nối, hội khởi nghiệp địa phương,... tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển bản thân và cộng đồng. Ngày càng có nhiều sản phẩm thiết thực, giúp ích người dân Việt, đồng thời đặt mục tiêu phát triển xa hơn trên thị trường thế giới”, anh Cường bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tạo “lực đẩy” thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

    Quảng Ninh: Tạo “lực đẩy” thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

    01:23, 07/05/2023

  • Công ty khởi nghiệp logitech Pando huy động thành công 30 triệu USD 

    Công ty khởi nghiệp logitech Pando huy động thành công 30 triệu USD 

    03:33, 05/05/2023

  • Khởi nghiệp thành công từ mô hình sản phẩm nông nghiệp trồng rau mầm

    Khởi nghiệp thành công từ mô hình sản phẩm nông nghiệp trồng rau mầm

    01:28, 05/05/2023

  • Hồi hương khởi nghiệp với nghề làm nhang thảo mộc

    Hồi hương khởi nghiệp với nghề làm nhang thảo mộc

    12:00, 04/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chàng trai 9x khởi nghiệp từ đam mê nghiên cứu thiết bị điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO