Chàng trai Đắk Lắk khởi nghiệp thành công từ nông sản

Theo Infonet 13/07/2022 02:27

Hết hứng thú với công việc sáng đi tối về, lại chứng kiến nông sản ở quê cứ rơi cảnh được mùa, mất giá… chàng trai trẻ 9X ở Đắk Lắk đã bỏ việc, vay 60 triệu đồng để khởi nghiệp.

>>Khởi nghiệp nông nghiệp: Nông dân Hoài Đức thu nửa tỷ đồng nhờ trồng nho hạ đen

Đang làm việc ở một cơ quan nhà nước với mức lương ổn định, Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1992) ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc để khởi nghiệp.

Sau hơn 4 năm đến nay, chàng trai trẻ 9X đã là ông chủ của Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods khi tự mò mẫm làm ra sản phẩm trà mãng cầu, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, doanh thu ước khoảng hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.

Từ khoản vay mượn 60 triệu đồng…

Không muốn cứ mãi ổn định với công việc sáng đi tối về ở một cơ quan nhà nước, Nguyễn Văn Sơn ở Đắk Lắk đã bỏ việc, vay 60 triệu đồng để khởi nghiệp... (Ảnh: NVCC)

Không muốn cứ mãi ổn định với công việc sáng đi tối về ở một cơ quan nhà nước, Nguyễn Văn Sơn ở Đắk Lắk đã bỏ việc, vay 60 triệu đồng để khởi nghiệp... (Ảnh: NVCC)

Chàng trai trẻ tìm hiểu các loại nông sản, đọc nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài và thấy được nhiều công dụng của trái mãng cầu, đầu năm 2018 đã quyết định nghỉ việc nhà nước về khởi nghiệp với mãng cầu.

Sơn nghiên cứu để chế biến từ quả tươi thành trà mãng cầu, thứ trà chưa có trên thị trường. Chàng trai đến Lâm Đồng để học hỏi về các loại trà truyền thống, rồi về tự nghiên cứu, mày mò thử nghiệm cho loại trà mình ấp ủ.

9X khởi nghiệp với số vốn vay 60 triệu đồng để chế biến trà mãng cầu lần đầu có mặt trên thị trường. (Ảnh: NVCC)

9X khởi nghiệp với số vốn vay 60 triệu đồng để chế biến trà mãng cầu lần đầu có mặt trên thị trường. (Ảnh: NVCC)

Mất khoảng 5-6 tháng, tiêu tốn làm hỏng khoảng 1 tấn quả mãng cầu tươi, Sơn mới tìm được công thức chuẩn cho mình.

“Ban đầu chọn trái mãng cầu không đúng độ tuổi nên bị hỏng nhiều. Càng làm càng tự đúc rút kinh nghiệm, em mới tìm được độ tuổi của trái phù hợp. Sau đó, tiến hành vệ sinh trái, đưa vào máy cắt, máy sấy, rồi tiến hành sao mãng cầu, ủ và đóng gói.

Khi cắt cũng cần tìm đúng kích thước lát cắt với chiều dài, chiều rộng, độ dày bao nhiêu thì mới ra được đúng vị. Kích thước chuẩn rồi lại cần cài nhiệt độ phù hợp khi sấy, khi sao khô… Đây là sản phẩm tự nhiên, để đạt được chất lượng chuẩn cần căn chỉnh nhiệt độ, thời gian phù hợp theo mùa mưa, mùa khô”, Sơn chia sẻ về các công đoạn làm ra sản phẩm trà mãng cầu.

Số tiền vay mượn bạn bè, người thân được 60 triệu đồng, Sơn dùng để mua một máy móc đơn giản cùng nguyên liệu, in ấn thiết kế bao bì… Sau 6 tháng nghiên cứu mày mò, sản phẩm trà mang thương hiệu “Trà mãng cầu Nguyễn Văn” đã thành công và được Sơn bán ra thị trường.

Ở đâu có hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu nông sản, đặc sản vùng miền, Sơn cũng đều tham gia để giới thiệu sản phẩm của mình. (Ảnh: NVCC)

Ở đâu có hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu nông sản, đặc sản vùng miền, Sơn cũng đều tham gia để giới thiệu sản phẩm của mình. (Ảnh: NVCC)

Để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, bất cứ nơi nào có hội chợ, triển lãm Sơn đều tham gia. Hay các lễ hội cafe, chương trình kết nối cung cầu nông sản, đặc sản vùng miền Sơn ở các tỉnh như Nha Trang, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Sơn đều đặt chân tới và chủ yếu là mời khách dùng thử sản phẩm để giới thiệu.

Cùng với đó, Sơn đi tới các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch mời dùng thử và đưa ra chính sách phù hợp, ký gửi sản phẩm, khi nào họ bán được mới quay lại lấy tiền.

Một kỷ niệm bán hàng ở Nha Trang khiến Sơn nhớ mãi khi lần đầu tiên ký gửi được 10 hộp trà cho một cửa hàng trong lòng cảm thấy vui lắm. Và chỉ sau một thời gian ngắn đã thấy họ gọi bán hết và yêu cầu mang thêm 30 hộp xuống. Khi mang trả xuống cứ tưởng họ lại ký gửi tiếp nhưng thật may mắn họ đã thanh toán luôn cả tiền ký gửi lần trước và 30 hộp mới, lúc đó Sơn cảm giác vô cùng vui sướng…

… đến doanh thu khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm từ trà mãng cầu

Sơn tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Đắc Lắk, rồi cuộc thi thanh niên nông thôn khởi nghiệp của Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao… để học hỏi và mong muốn thông qua các chương trình đó nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn.

Sau khi đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp ở địa phương, Sơn cũng được hỗ trợ và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối các sản phẩm ở tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh khác. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh hỗ trợ cho Sơn sang Hàn Quốc để kết nối sản phẩm.

Thời gian xảy ra dịch bệnh, Sơn phát triển thêm các kênh online, diễn đàn, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để truyền thông sản phẩm của mình. Nhờ đó, sản phẩm trà mãng cầu của Sơn đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, TP HCM, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương… Đồng thời, tìm kiếm được khách hàng tại thị trường Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm.

Sơn chia sẻ, khi sản xuất sản phẩm trà mãng cầu, đối tượng khách nước ngoài Sơn ‘nhắm’ đến là khách Hàn Quốc nên ở trong nước cứ nơi nào có khách Hàn Quốc Sơn đều tìm cách tiếp cận để giới thiệu sản phẩm. Chẳng hạn khu vực Phú Mỹ Hưng ở quận 7, TP HCM, Sơn đã tiếp cận và có một showroom để bán sản phẩm ở đó.

Sản phẩm trà mãng cầu Nguyễn Văn của Sơn cũng tham gia chương trình Ocop và đạt chứng nhận 3 sao vào năm 2020 và hiện đang phấn đấu để cuối năm nay đạt 4 sao.

Sơn cho biết, đến nay, sản phẩm trà mãng cầu Nguyễn Văn bán được khoảng 3.000 hộp mỗi tháng tại thị trường trong nước, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng.

Như vậy, mỗi năm ước chừng bán được 36.000 hộp, doanh thu đạt 2,4 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2020, trà mãng cầu Nguyễn Văn đã bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cho một đại lý với số lượng khoảng 8.000 hộp mỗi năm, doanh thu khoảng 800 triệu đồng.

“Để sản phẩm có thể xuất khẩu sang nước ngoài, điều khó nhất là tìm được khách hàng mua sản phẩm, cùng với đó sản phẩm phải đạt được các chứng nhận quốc tế. Như sản phẩm trà mãng cầu của Sơn đã đạt chứng nhận HACCP (chứng nhận về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế) và ISO 22000.

Hàng xuất đi phải được Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mới được xuất khẩu; sau đó tới Hàn Quốc sản phẩm sẽ tiếp tục được kiểm tra, đạt mới được cấp chứng nhận về sản phẩm đủ điều kiện lưu hành tại thị trường Hàn Quốc”, Sơn chia sẻ thêm về việc đưa trà bán ra nước ngoài.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, Sơn liên kết với các hộ nông dân ở các vườn trồng và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho họ. Giá thu mua quả tươi Sơn trả cho người trồng trung bình 12.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái thu mua khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Chàng trai 9X cho biết, theo nghiên cứu của Hàn Quốc, mãng cầu có chất chống oxy hóa phòng ngừa được bệnh ung thư, đông y cũng sử dụng mãng cầu để hỗ trợ một số bệnh về huyết áp, an thần ngủ ngon… Vì thế, trà mãng cầu của Sơn hướng đến đối tượng khách hàng trên 30 tuổi, nhưng sắp tới sẽ cải tiến sản phẩm tiện lợi hơn để giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận.

Sắp tới, Sơn có kế hoạch mở rộng thêm nhà xưởng, thuê chuyên gia để sản xuất thêm những sản phẩm mới từ mãng cầu như mứt sấy dẻo, nước uống đóng chai…

Thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, nên Sơn sẽ tập trung phát triển mạnh ở thị trường này. Sơn đặt mục tiêu mong muốn mỗi tháng sẽ xuất sang Hàn Quốc 10.000 hộp trà.

Cùng với đó sẽ dần mở rộng thêm thị trường xuất khẩu khi hiện cũng có một số khách hàng ở Malaysia, Singapore hay một số nước phương Tây cũng đã đặt vấn đề mua sản phẩm trà mãng cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp nông nghiệp: Biến đồi hoang thành trang trại tiền tỷ

    Khởi nghiệp nông nghiệp: Biến đồi hoang thành trang trại tiền tỷ

    05:15, 09/08/2021

  • Hà Giang hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp

    Hà Giang hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp

    13:28, 11/06/2021

  • CEO The Farm Story: Khởi nghiệp nông nghiệp thì đừng cứ thích lên là

    CEO The Farm Story: Khởi nghiệp nông nghiệp thì đừng cứ thích lên là "về quê nuôi thêm cá và trồng thêm rau"

    04:38, 21/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chàng trai Đắk Lắk khởi nghiệp thành công từ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO