Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá chất lượng quản trị công trong lĩnh vực đất đai không có chuyển biến tích cực đáng kể trong gần một thập kỷ qua.
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
Biểu hiện qua việc điểm chỉ số thành phần gốc về Tiếp cận đất đai (một trong 10 chỉ số thành phần của PCI) có xu hướng giảm kể từ năm 2013.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, ngày 18/9.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, kết quả phân tích chỉ ra doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai như thủ tục hành chính phiền hà, gánh nặng chi phí không chính thức còn phổ biến, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin về đất đai chưa tích cực.
Các trở ngại này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các địa phương còn thiếu nhất quán, chẳng hạn như việc điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất hay xác định giá đền bù khi thu hồi đất.
Đặc biệt, một trong những tác động tiêu cực nhất của việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai đó là làm giảm năng tiếp cận tín dụng – một trong những nguồn lực quan trọng cần được khơi thông, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp cần trợ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Dù nhìn nhận một cách tổng thể hoạt động cải cách hành chính đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ chuyển biến trên thực tế là không đồng đều giữa các lĩnh vực.
“Đất đai là lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh còn rất phiền hà, xếp thứ hai chỉ sau thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, phí. Trong cả hai năm 2020 và 2021, đều có xấp xỉ 29% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI cho biết thủ tục hành chính về đất đai là thủ tục hành chính phiền hà nhất”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Trong số các doanh nghiệp từng gặp trở ngại với thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm gần nhất, theo ông Đậu Anh Tuấn vấn đề phổ biến nhất là “thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định”, với hơn 53% doanh nghiệp lựa chọn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh những vấn đề như “phải trả chi phí không chính thức”, “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục” và “giá đất không đúng quy định”. Trong số các vấn đề kể trên, trả chi phí không chính thức là tình trạng khá nhức nhối và phổ biến hơn ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
>>Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
>>Đường vành đai 3 – cú hích cho kinh tế, bất động sản TP.HCM
>>Nền kinh tế chuyển biến từ các gói hỗ trợ
Theo ước tính từ dữ liệu điều tra, khoảng 31,6% doanh nghiệp quy mô vừa và lớn từng gặp khó khăn về thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ thực hiện hành động này là khoảng 26,6%.
Các cơ quan nhà nước tại địa phương còn rất nhiều việc cần làm để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng kinh doanh tốt hơn. Những rào cản chính trong quá trình mở rộng mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp đó là thủ tục hành chính thuê, mua đất phức tạp (42% doanh nghiệp cho biết); quy hoạch đất đai chưa phù hợp (38%); và việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng (30%).
Đơn giản hóa các thủ tục thuê, mua đất sẽ liên quan đến điều chỉnh khung khổ pháp lý và cần sự tham gia của các cơ quan cấp trung ương. Trong khi đó, đối với vấn đề quy hoạch, các tỉnh/thành phố cũng cần nhanh chóng giải quyết tình trạng “quy hoạch treo” hay “dự án treo” đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Một trong các giải pháp là tăng cường công khai, minh bạch quá trình lập quy hoạch và quan tâm đến công tác lấy ý kiến của các bên liên quan như doanh nghiệp hay người dân địa phương.
Trong khả năng của mình, các địa phương có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng “cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng”. Điều đáng tiếc là trong những năm qua, thông tin về đất đai, đặc biệt là bản đồ và quy hoạch sử dụng đất thường xuyên đứng đầu trong số những loại thông tin, tài liệu khó tiếp cận nhất.
Kết quả điều tra cho thấy, 45,8% doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ và 38,5% doanh nghiệp quy mô vừa hoặc lớn khó hoặc không thể tiếp cận loại thông tin này, cao nhất trong số các loại tài liệu phổ biến mà doanh nghiệp muốn tiếp cận.
Điều này cũng cho thấy doanh nghiệp quy mô càng nhỏ càng là nhóm “yếu thế” khi đối diện với các rào cản trong tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng kinh doanh. Các chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn trong việc minh bạch thông tin đất đai và giải quyết vướng mắc khó khăn khi tìm hiểu thông tin cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 18/09/2022
03:00, 17/09/2022
10:30, 16/09/2022
00:06, 16/09/2022
16:16, 15/09/2022
12:22, 15/09/2022