Ngay cả khi châu Âu và Mỹ đẩy mạnh các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế cho ngành chip, tốc độ tăng trưởng sản xuất chip ở châu Á vẫn nhanh hơn.
Trong bài phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asia, ông Christophe Fouquet, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ASML, nhà sản xuất máy móc chế tạo chất bán dẫn của Hà Lan, cho biết việc tăng cường sản xuất chip ở các nước phương Tây khó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực của ngành công nghiệp này khỏi châu Á.
Theo quan điểm của ông Fouquet, châu Âu và Hoa Kỳ sẽ cần phải làm nhiều hơn là xây dựng các nhà máy sản xuất chip được trợ cấp để có tác động thực sự đến hình thái của ngành công nghiệp chip.
"Chi phí và tính linh hoạt phải được giải quyết trong dài hạn để thực sự phát triển hệ sinh thái. Các ưu đãi không thể duy trì mãi mãi. Do đó, chi phí phải phù hợp, tính linh hoạt phải phù hợp", ông Fouquet nói và nhấn mạnh nếu châu Âu và Mỹ muốn thành công, mô hình kinh tế của ngành sản xuất chất bán dẫn phải được cải thiện.
Theo ông Fouquet, các ưu đãi chỉ nên mang tính tạm thời với mục đích tạo thêm thời gian và không gian để giải quyết cơ bản các thách thức mang tính cấu trúc một cách toàn diện; đồng thời chỉ ra rằng lợi thế chính của châu Âu trong lĩnh vực chip nằm ở khả năng tiếp cận nguồn nhân lực giỏi về kỹ thuật và năng lượng tái tạo.
Ông Fouquet cho biết ngay cả khi các nhà máy chip mới ở phương Tây được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế, tốc độ tăng trưởng công suất bán dẫn ở châu Á vẫn nhanh hơn. Ông dự đoán khu vực châu Á sẽ vẫn là khu vực dẫn đầu về sản xuất chip trong nhiều năm tới.
Châu Á chiếm 84% doanh thu của ASML vào năm ngoái. Đối với ASML cũng như các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip quan trọng khác như Lam Research và Tokyo Electron, châu Á vẫn là thị trường nổi trội.
Chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip từ lâu đã được coi là thước đo chính về triển vọng nhu cầu chip trong tương lai và tăng trưởng năng lực sản xuất. Hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI tính toán rằng Trung Quốc có thể đã chi nhiều hơn cho thiết bị chip trong nửa đầu năm nay so với Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ cộng lại.
Điều này cho thấy nhiều khả năng Bắc Kinh đang tiến hành tích trữ các mặt hàng trước khi các hạn chế xuất khẩu của phương Tây dự kiến sẽ được thắt chặt. Tuy nhiên, SEMI cũng dự báo rằng mức chi tiêu này của Trung Quốc sẽ chậm lại đến năm 2027 trong khi Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á tăng cường đầu tư.
Mặc dù vậy, ông Ajit Manocha, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI cho biết, thế giới sẽ cần nhiều trung tâm bán dẫn hơn để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng ngay cả khi châu Á vẫn đang bỏ xa các khu vực khác.
"Đại dịch, biến đổi khí hậu và địa chính trị cho thấy sự cần thiết của chất bán dẫn. Nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu nghĩ đến việc đạt được ưu thế trong ngành sản xuất chip và nếu có thể tạo ra nhiều trung tâm sản xuất hơn, điều này cũng sẽ góp phần tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng", ông Ajit Manocha nói.
Chuyên gia này cho biết thêm rằng tình trạng thiếu hụt chip cách đây vài năm đã tồi tệ đến mức làm gián đoạn một số ngành công nghiệp. Cụ thể, thời gian sản xuất ô tô có thể lên tới hai năm và phải mất ba tháng để sửa một cảm biến bị hỏng trong tủ lạnh của ông.