Khi thế giới đối mặt với sự lây lan của chủng virus SARS-CoV-2 đột biến, các chuyên gia khuyến cáo châu Âu và Mỹ cần vận dụng kinh nghiệm từ các nước châu Á để hạn chế tổn thất gây ra bởi dịch bệnh.
Vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, tuyên bố vùng England, khu vực chiếm phần lớn dân số của Vương quốc Anh, sẽ bước vào đợt phong tỏa sáu tuần với cấp độ cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Đây là biện pháp cứng rắn nhất được chính phủ Anh đưa ra kể từ khi nước này bùng phát dịch COVID-19. Theo đó, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài một lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời hoặc đi mua các nhu yếu phẩm.
Chính phủ Anh kỳ vọng, điều này sẽ làm hạn chế sự lây lan của chủng virus SARS-CoV-2 đột biến mới và khống chế được số ca nhiễm trong thời gian sớm nhất, tránh kịch bản hệ thống y tế quốc gia này bị quá tải.
Tương tự, hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ngay đầu năm mới 2021 để hạn chế sự bùng nổ số lượng ca nhiễm mới.
Có thể thấy, điều này là một bước tiến mới so với thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát. Việc không thể khoanh vùng dập dịch và những tổn thất kinh tế khi không có các biện pháp đối phó kịp thời đã làm chính phủ nhiều nước châu Âu thừa nhận, kinh nghiệm chống dịch châu Á là những gì họ cần làm vào lúc này trước khi có vắc xin hoặc thuộc đặc trị
Như ông Yik-Ying Teo, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock ở Singapore phân tích, nhìn từ châu Á, tâm lý của người dân Mỹ và châu Âu về việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là điều gì đó siêu thực. Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đã khiến nhiều người, thậm chí cả những quan chức chỉnh phủ lầm tưởng đây chỉ là một loại bệnh cúm thông thường.
Ngược lại, văn hóa phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở phần lớn châu Á lại cho thấy rõ hiệu quả. Kinh nghiệm về các dịch bệnh SARS và H1N1 đã giúp một số chính phủ đánh giá cao mức độ nghiêm trọng của những đợt bùng phát dịch bệnh.
Ngay lập tức, các biện pháp kiểm soát và kiểm dịch nghiêm ngặt ở biên giới, sân bay cùng với việc sử dụng hiệu quả dữ liệu truy vết, xét nghiệm diện rộng đã ngăn dịch bùng nổ tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore… Việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn xã hội không chỉ là khuyến nghị, mà còn là yêu cầu bắt buộc.
“Sự đối lập giữa phản ứng ở châu Á với Mỹ và phần lớn châu Âu có thể được coi là một ví dụ điển hình về sự phân chia văn hóa Đông - Tây. Văn hóa phương Tây có xu hướng nhấn mạnh quyền cá nhân, trong khi ở phương Đông, việc đồng thuận xã hội được coi trọng hơn”, ông Yi chỉ ra.
Và châu Á đã thật sự thành công. Trong khi các ca tử vong tại châu Âu và Mỹ không ngừng tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ nhiễm bệnh tại nhiều nước châu Á thấp đáng kể.
Mặc dù tất cả các nước châu Á cũng phải gánh chịu thiệt hại về người và kinh tế, nhưng xét toàn diện, châu Á đã kiểm soát cuộc khủng hoảng COVID-19 tốt hơn Mỹ và châu Âu.
Thậm chí, các chuyên gia đánh giá, sau cuộc khủng hoảng COVID -19, các nước châu Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Công ty kiểm toán Earns & Young, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ sớm chiếm một nửa GDP của thế giới.
Giờ đây, khi thế giới lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bùng nổ một đợt dịch do chủng virus SARS-CoV-2 đột biến mang lại, nhiều nước châu Âu đã lựa chọn thay đổi chiến thuật, giãn cách và phong tỏa để ngăn chặn ngay từ đầu. Đã đến lúc những tự do cá nhân cần hy sinh để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm