Cần quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề khó khăn để chúng ta có thể “chạy nước rút” trong đầu tư công cuối năm thành công.
Thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ giải ngân này không đạt được như kỳ vọng và vấn đề “có tiền không tiêu được” lại trở nên “nóng hổi” dù nó đã như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, TP Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch. Còn Hà Nội được giao hơn 81.033 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch. Đáng nói vẫn còn 31 Bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn, song tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan được nhắc nhiều nhất trong thời gian qua đó là do công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần. Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; Giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng có những lý do khách quan một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung..v.v.
Nguyên nhân, khó khăn thì nhiều, tuy vậy, điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung là tăng trưởng ở mức cao hơn kỳ vọng trong bối cảnh một số địa phương của các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão Yagi (bão số 3). Minh chứng là, trong Báo cáo kinh tế Quý III “Triển vọng và thách thức” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so mức 4,4% của cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ”.
Thực tế cho thấy, nước ta đang trong quá trình phục hồi kinh tế, khắc phục nhiều hậu quả từ “thiên tai dịch họa”... nên vốn đầu tư công từ Nhà nước là một cứu cánh có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong khi Trung ương đã hết sức cố gắng để bố trí được ngân sách đầu tư lớn hơn năm trước, thì công tác giải ngân lại gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng, tiến độ.
Có lẽ, chúng ta sẽ duy trì được mức tăng trưởng ổn định, bền vững hơn nếu như công tác giải ngân vốn đầu tư công không bị “nghẽn”. Đúng như Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh từng đánh giá: “Đầu tư công được giải ngân chậm đã kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế một cách tương đối. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được khai thông, chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế sẽ còn cao hơn nữa”.
Do đó, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến hệ lụy sử dụng nguồn vốn lãng phí, chưa hiệu quả, có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tình trạng này cần sớm phải chấm dứt thông qua nhiều giải pháp mang tính tổng thể thiết thực.
Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao. Và trong quý IV/2024 cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng..v.v.
Thế nên, để khắc phục triệt để tình trạng “có tiền không tiêu được”, chấm dứt “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta rất cần có hình mẫu những người cán bộ “6 dám” - Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đồng thời, phải cụ thể hóa trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân tham gia dự án. Chậm ở khâu nào, có cá nhân chịu trách nhiệm và có người theo dõi phối hợp giải quyết.
Nói cách khác, chúng ta cần có những người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt ra “ranh giới an toàn”, đồng thời khích lệ, động viên kịp thời. Những cũng phải đề cao kỷ luật, trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Chỉ có như vậy mới giải quyết được nhiều vấn đề gai góc về vốn đầu tư công hiện nay và thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương “chạy nước rút” thành công.