Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với sự tham gia và vào cuộc của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phụ trách hoạt động đầu tư công.
Đó là chỉ đạo được nêu trong văn bản thúc đẩy đầu tư công năm 2024 do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành để triển khai đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch năm 2024.
Đáng chú ý, nhấn mạnh trong văn bản, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TPHCM về tiến độ giải ngân đầu tư công từng tháng, “không có lý do, không có ngoại lệ”.
Cụ thể, năm 2024, TPHCM cần phải giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng nhưng hết tháng 9 mới đạt 20%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Đợt cao điểm này nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM các tháng còn lại và cả năm 2024, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm.
“Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với sự tham gia vào cuộc của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phụ trách hoạt động đầu tư công. Lãnh đạo các đơn vị tập trung hoàn thành đúng tiến độ công việc, hạn chế tối đa việc xin ý kiến hướng dẫn của các sở ngành trong việc giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền hoặc đã được phân cấp, ủy quyền”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với các ban quản lý và quận huyện, ông Phan Văn Mãi lưu ý thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân vốn của đơn vị mình, tỷ lệ giải ngân đánh giá trên số liệu đã cam kết đầu năm 2024.
Đối với các đơn vị có cơ cấu vốn bồi thường lớn và dự kiến giải ngân trong quý 4/2024, thủ trưởng đơn vị theo dõi chặt chẽ, bám sát việc thực hiện để đảm bảo giải ngân đúng theo kế hoạch đã đề ra, chịu trách nhiệm toàn diện nếu không hoàn thành các thủ tục giải ngân vốn.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, riêng các dự án, công trình trọng điểm, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với sở ngành liên quan, khẩn trương lập kế hoạch, tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ, công việc cụ thể. Trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND TPHCM và các sở ngành là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thủ tục và tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM ít nhất 2 lần/tuần.
"Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TPHCM trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng theo đúng số liệu đã thống nhất, không có lý do ngoại lệ", văn bản nêu rõ.
Mặt khác, các sở ngành là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện nếu dự án chậm trễ tiến độ giải ngân do không kịp thời đôn đốc chủ đầu tư thực hiện và kiến nghị UBND TP.HCM giải quyết các nội dung khi vượt thẩm quyền.
Đáng nói, theo thống kê, 9 tháng đầu năm thì TPHCM có tới 9 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân, gồm: Ban Giao thông, Ban Dân dụng và công nghiệp, Ban Hạ tầng đô thị, Ban Đường sắt đô thị, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao và 4 địa phương: Q.1, Q.5, Q.10 và H.Nhà Bè. Trước những tồn tại trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân.
Trước đó, ngày 3/10/2024, tại buổi họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Đặng Quốc Toàn - Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3 của TPHCM tăng trưởng 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,85%. TPHCM tập trung thúc đẩy 3 lĩnh vực đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2024, TPHCM chỉ giải ngân đầu tư công được khoảng 20% tổng kế hoạch vốn (hơn 79.200 tỉ đồng). Việc giải ngân đầu tư công chậm thuộc về trách nhiệm của các đơn vị.
Cũng theo ông Toàn, không riêng về đầu tư công mà ở các lĩnh vực khác, khi kết quả chưa tốt thì phải xem xét lại nguyên nhân, trách nhiệm các đơn vị, từng cá nhân, tập thể từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, đầu tư công gặp một số nguyên nhân khách quan, vấn đề pháp lý. Song, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, khách quan, ông Toàn cho biết hiện đa số cán bộ, công chức tập trung công việc, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, một số dự án khác dự kiến hoàn thành cuối năm. Hện TPHCM đang tích cực chuẩn bị hồ sơ làm Vành đai 4 và hệ thống đường sắt đô thị.
"Một số nơi còn chậm, chưa được như mục tiêu đề ra. Việc này TPHCM có phê bình và khen thưởng tùy theo mức độ, không đợi đến mức xử lý cao hơn mà trong quá trình này, lãnh đạo TPHCM có sắp xếp, bố trí nhân lực để làm tốt hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu đầu tư công năm 2024 và các năm tới", ông Toàn cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở KH-ĐT chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 ở mức thấp. Cụ thể, TPHCM được giao 249.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ. Thông thường việc giao vốn ngay đầu kỳ nhưng sau khi TPHCM thực hiện cơ chế đặc thù được bổ sung thêm 107.000 tỉ vào cuối năm 2023. Phần lớn dự án dùng số vốn này đang triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.
Riêng vốn bồi thường của TPHCM (33.000 tỉ đồng) còn gặp khó khăn khi áp dụng Luật Đai đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8, tổng mức đầu tư tăng lên khi áp dụng luật mới buộc phải dừng bồi thường để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Ngoài ra, TPHCM còn một số dự án vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý chiếm 12,6% tổng vốn, dự án phải điều chỉnh quy hoạch chiếm 6% vốn.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng khi áp dụng các quy định mới về đấu thầu dẫn đến thay đổi quy trình thủ tục, điều kiện hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu; thiếu vật liệu, cát san lấp...