Kinh tế

Chế biến là trụ đỡ, là đầu tàu của ngành thủy sản Việt Nam

Đình Đại 29/09/2024 04:10

Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến tiên tiến, và đó cũng là lý do Việt Nam nằm trong TOP 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới.

Bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng thu ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong vòng hơn 2 thập kỷ qua ngành thủy sản Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Thời điểm cao nhất của ngành vào năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 11 tỷ USD, chiếm khoảng 3-4% GDP của toàn Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2000-2023, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 9%. Tức là từ thời điểm 2000 là xuất hợp thủy sản chưa đến 1,5 tỷ USD và đến nay xấp xỉ 9 tỷ USD.

balan(1).jpg
Theo bà Tô Thị Tường Lan, chế biến là trụ đỡ và cũng là đầu tàu của ngành thủy sản Việt Nam - Ảnh: Đình Đại

Trong 6 tháng đầu năm, GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp đạt khoảng 3,38%, trong đó, ngành thủy sản đã tăng trưởng 3,76%. Thủy sản Việt Nam đã nằm trong TOP đầu của các quốc gia cung cấp thủy sản trên thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc, Na Uy.

“Đây cũng là ngành đóng góp rất quan trong trong an ninh lương thực, đồng thời tạo ra công việc ổn định cho hơn 4 triệu người. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển”, bà Lan đánh giá.

Theo bà Lan, trong những năm vừa qua, có 2 trụ đỡ của ngành thủy sản, đó là đánh bắt và nuôi trồng. Đối với lĩnh vực đánh bắt, đại diện VASEP cho rằng, tương đối ổn định, vào khoảng từ 3,7-3,8 triệu tấn/ năm. Tăng trưởng trong nuôi trồng cũng luôn có sự ổn định, trong năm 2019 đạt khoảng 4,3 triệu tấn thì đến năm 2023 là khoảng 5,4 triệu tấn. Lĩnh vực nuôi trồng cũng đã đóng góp hơn 60% cho các nhà máy thủy sản ở Việt Nam.

Bà Lan cũng cho biết, trong nuôi trồng tôm và cá tra là 2 sản phẩm chính, trong đó, tôm với diện tích khoảng từ 720.000-737.000 ha. Sản lượng hàng năm ở tầm khoảng 1,1 triệu tấn. Đối với cá tra, mặt nước nuôi cá tra ổn định khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 1,5-1,7 triệu tấn một năm. Đây là 2 sản phẩm chính và cũng là trụ đỡ cho xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam.

“Trong chiến lược nuôi trồng của Việt Nam, theo Nghị định 339 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã xác định ngành nuôi trồng là một trong những ngành tăng trưởng, ổn định, góp phần cho phát triển bền vững của ngành thủy sản”, bà Lan nhấn mạnh.

Về năng lực chế biến, theo đại diện VASEP, Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến tiên tiến, và đó cũng là lý do Việt Nam nằm trong TOP 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới.

thuysan.jpg
Riêng đối với mặt hàng tôm, tỷ trọng dịch chuyển chế biến sâu đã tăng từ 20% của 5 năm trước, lên trên 45% hiện nay - Ảnh minh họa.

Việt Nam có 850 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới, trong đó có 692 nhà máy đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu, 789 nhà máy được công nhận xuất khẩu vào Hàn Quốc, 834 nhà máy xuất khẩu vào Trung Quốc, 100 nhà máy xuất khẩu vào UK. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đạt được tiêu chuẩn của USDA cho mặt hàng cá da trơn được phép xuất khẩu vào Mỹ theo giám định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dành riêng cho mặt hàng thực phẩm.

Về chiến lược chế biến, theo bà Tô Thị Tường Lan, chế biến là trụ đỡ và cũng là đầu tàu của ngành thủy sản Việt Nam.Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như tạo được danh tiếng sản phẩm của Việt Nam, đại diện VASEP cho rằng, đầu tiên là Việt Nam cần phải tăng cường hàng chế biến sâu. Hiện ngay, Việt Nam đang dần dịch chuyển từ sản xuất hàng thô, xuất khẩuhàng thô sang hàng chế biến sâu.

Trong đó, riêng đối với mặt hàng tôm, tỷ trọng dịch chuyển chế biến sâu đã tăng từ 20% của 5 năm trước, lên trên 45% hiện nay, khi gặp một sự cạnh tranh lớn từ những quốc gia khác về giá cũng như một số thách thức của ngành tôm Việt Nam.

Thứ hai là phải đa dạng hóa sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm để chúng ta đi vào những ngách của các thị trường và đi vào các thị trường khác nhau trên thế giới chứ không phụ thuộc vào nhu cầu của từng thị trường.

Thứ 3 là nâng cao chất lượng sản phẩm hơn là chạy theo số lượng. Cần phải chú trọng về chất lượng để bảo vệ được danh tiếng của sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, phải áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng cũng như trong chế biến.

Thứ tư, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và phát triển xanh. Trong ngành thủy sản, chiếm đến 70% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để đạt được những chiến lược bền vững trong nuôi trồng, cũng như trong chế biến thủy sản cũng là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chế biến là trụ đỡ, là đầu tàu của ngành thủy sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO