Dù sinh sống tại vùng đồng bằng với nhiều sông, ao, hồ, kênh, rạch nhưng hàng trăm ngàn hộ dân ở ĐBSCL vẫn đang thiếu nước ngọt để sử dụng.
Đáng chú ý là chỉ có 55% hộ được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia. Thông tin trên vừa được ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi-Bộ NN&PTNT cho biết tại hội nghị đánh giá tổng thể về cấp nước nông thôn vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, ông Anh, cho biết, vùng ĐBSCL có 18 triệu dân, tuy hiện nay 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng chỉ mới 55% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó, có khoảng 8 triệu người sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung (3.853 công trình).
Cũng theo ông Anh, đợt hạn mặn 2019-2020, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng, từ ngày 8 đến 24/3/2020, có 96.000 hộ (tương đương 430.000 dân) thiếu nước sinh hoạt, trong đó, có 20.600 hộ được cấp nước bởi các công trình cấp nước tập trung, 75.400 được cấp nước từ hộ gia đình.
Khu vưc bị thiếu nước diễn ra chủ yếu ở các địa phương như: Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
“Đứng trước bối cảnh nêu trên, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy nhanh tiến độ và đầu tư tiếp các công trình thủy lợi liên kết vùng/tỉnh để điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, sẽ xem xét đề xuất xây dựng các hồ chứa nước ngọt trong thời gian tới” ông Anh cho biết.
Theo ông Anh, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới giúp Việt Nam thực hiện Dự án nước sạch và hệ sinh thái nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cho biết trong vòng năm năm tới (2021-2025), cả vùng có nhu cầu kinh phí 5.000 tỷ đồng để đầu tư các công trình cấp nước tập trung nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn.
Theo đó, có hơn 400 công trình cấp nước tập trung được các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 5.045 tỷ đồng, trong đó, cần nguồn vốn trung ương hỗ trợ là hơn 2.848 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là hơn 1.599 tỷ đồng và vốn của dân là trên 296 tỷ đồng.
Với quy mô đầu tư các công trình cấp nước tập trung như nêu trên, dự kiến sẽ có 864.700 hộ dân khu vực nông thôn của vùng được sử dụng nước sạch trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần một nguồn kinh phí trên 584 tỷ đồng để đầu tư các công trình cấp nước quy mô hộ gia định nhằm phục vụ cho 108.100 hộ dân trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu trong tháng 7/2020, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần gấp rút hoàn thiện các báo cáo, bản đồ tổng thể cấp nước sạch cho hộ gia đình vùng nông thôn để Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp đầu tư, cung cấp nước sạch đến vùng nông thôn.
Đặc biệt, để giải quyết 96.000 hộ dân có nước sạch trong vòng 3 năm tới cần xác định nơi nào không có nguồn cấp nước, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tìm giải pháp đầu tư. Trong đó đề xuất các địa phương tăng công suất các trạm cấp nước tập trung, kéo dài đường ống và địa phương nào xa hệ thống cấp nước có thể cho khoan giếng tập trung (dùng cho nhiều hộ) và tính toán đầu tư xây bể chứa nước. Việc đầu tư công trình cấp nước nông thôn cần có lộ trình, thời gian đầu tư xây dựng; giải pháp cấp nước sinh hoạt phải có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đến năm 2025 giải quyết cơ bản cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và đến 2030 phải giải quyết an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất và thích nghi biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…
Có thể bạn quan tâm
08:15, 09/03/2020
18:00, 15/03/2020
04:55, 11/05/2020
23:43, 19/05/2020
16:28, 12/03/2020